Cúm A là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị, phòng ngừa bệnh cúm A.
1. Cúm A là gì?
1. Cúm A là gì?
Cúm A là bệnh nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp do virus, có khả năng lây nhiễm rất cao trong công đồng. Thường do các chủng virus cúm phổ biến như: A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9 gây nên. Trong đó, chủng virus cúm A/H7N9 và A/H5N1 thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng lây nhiễm sang người và tạo thành dịch, nên còn được gọi là cúm gia cầm. Cúm thông thường và cúm A dễ nhầm lẫn với nhau do có các triệu chứng tương tự nhau, tuy nhiên cúm A thường diễn biến nhanh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao bùng phát thành đại dịch.
Các chủng virus cúm A: Virus cúm A liên tục thay đổi kháng nguyên để thích nghi với điều kiện sống do đó có rất nhiều chủng cúm A đang lưu hành trên toàn cầu, phổ biến gồm các chủng sau:
Cúm A/H1N1: là chủng virus cúm được Tổ chức y tế Thế Giới WHO ghi nhận vào năm 2009. Tuy không nguy hiểm như chủng cúm A/H7N9 và A/H5N1 nhưng cúm A/H1N1 có tốc độ lây lan nhanh, dễ bùng thành dịch, có thể gây các biến chứng như/; bội nhiễm, viêm phổi nặng, suy đa tạng thậm chí là tử vong.
Cúm A/H5N1: Bùng phát từ năm 1997, gây chết hàng chục triệu gia cầm, từng gây ra một trận đại dịch kinh hoàng, có ca nhiễm ở 15 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam xuất hiện từ cuối năm 2003, bùng phát nhiều ca nhiễm và tử vong.
Cúm A/H3N2: được ghi nhận lần đầu tiên ở Hoa Kỳ vào năm 1968, có thể lây nhiễm cho chim, người và động vật có vú. Lưu hành trên toàn thế giới dưới dạng cúm A theo mùa.
Cúm A/H7N9: Được ghi nhận lần đầu tiên vào tháng 3/2013 tại Trung Quốc. Đây là chủng virus có độc tính cao, có khả năng nhân lên trong các cơ quan hô hấp, tiêu hóa, sinh sản, tiết niệu, tồn tại trong dịch tiết của cơ thể như nước mũi, nước bọt, nước mắt và phân, …Những người nhiễm chủng virus này hầu hết được ghi nhận bị viêm phổi, ít có trường hợp nhiễm chủng virus này có triệu chứng giống cúm, tự hồi phục mà không cần sự can thiệp của các biện pháp y tế.
2. Nguồn lây nhiễm cúm A:
2. Nguồn lây nhiễm cúm A:
Virus cúm A có khả năng gây nhiễm ở gia cầm, các loài chim, các loài động vật có vú như lợn và ngựa. Nhìn chung, các Virus cúm gây bệnh ở động vật động vật không có khả năng gây bệnh cho người trừ khi nó đã thích ứng với người hoặc tái tổ hợp ADN với virus cúm người.
3. Đối tượng mắc cúm A:
3. Đối tượng mắc cúm A:
Bất kỳ ai cũng đều có nguy cơ mắc chủng virus cúm A. Một số đối tượng có nguy cơ mắc cao hơn và có thể diễn biến nặng hơn khi mắc bệnh như:
- Trẻ em <2 tuổi
- Người lớn ≥65 tuổi
- Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ sau sinh < 2 tuần
- Bệnh nhân suy giảm/bị ức chế miễn dịch
- Người béo phì mắc bệnh (BMI ≥40)
- Bệnh nhân mắc một số bệnh mãn tính: Tiểu đường, tim mạch, suy gan, suy thận,...
- Trẻ <19 tuổi phải điều trị aspirin kéo dài
- Những người làm việc ở môi trường đông người như trường học, bệnh viện, công sở
4. Thời gian lây nhiễm:
4. Thời gian lây nhiễm:
- Thời gian ủ bệnh ngắn: ngắn, từ 1-4 ngày
- Thời kỳ lây bệnh: Phát tán virus 1 ngày trước khi khởi phát, kéo dài 5-7 ngày. Đối với trẻ em thì kéo dài hơn, người suy giảm miễn dịch kéo dài 1 vài tuần.
- Nếu phát hiện và kịp thời điều trị, Người mắc cúm A có thể khỏi trong vòng 7-10 ngày, các triệu chứng của bệnh sẽ hết hoàn toàn sau 1-2 tuần.
5. Triệu chứng của cúm A
5. Triệu chứng của cúm A
Các triệu chứng của cúm A thường xuất hiện đột ngột, thường gặp các triệu chứng như: Đau họng, ho, hắt hơi, ít chảy nước mũi, nghẹt mũi, sốt, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể, đau cơ khớp, nhức đầu, mệt mỏi nghiêm trọng, nhịp tim nhanh, đỏ mắt, chảy nước mắt.
Đôi khi, các triệu chứng thường tự khỏi, tuy nhiên nếu các triệu chứng kéo dài hơn một tuần mà không cải thiện thì nên đến khám bác sĩ để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
6. Các biến chứng của cúm A:
6. Các biến chứng của cúm A:
Những người có hệ miễn dịch yếu khi mắc cúm A dễ dẫn tới nguy cơ bị các biến chứng liên quan như trẻ em, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, đặc biệt những người có bệnh nền.
Suy hô hấp, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm màng não, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn thứ phát,…là các biến chứng có thể gặp khi trẻ mắc cúm A.
Những biến chứng của cúm A có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ, thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện kịp thời. Do đó,cần đến viện ngay khi có các triệu chứng sau đây:
- Sốt cao từ 39 độ trở lên, không đáp ứng thuốc hạ sốt; Co giật;
- Li bì, mệt mỏi, kém ăn, bỏ ăn, nôn trớ, chân tay lạnh;
- Khó thở, thở nhanh
7. Chẩn đoán cúm A
7. Chẩn đoán cúm A
Trước khi tiến hành điều trị cần xác minh chủng virus cúm mà bệnh nhân bị nhiễm và các triệu chứng lâm sàng biểu hiện.
Bệnh phẩm dùng để xét nghiệm: dịch ngoáy họng, mũi họng; dịch tiết hay rửa mũi họng
Các xét nghiệm chẩn đoán cúm gồm:
- Nuôi cấy virus
- Chẩn đoán huyết thanh học
- Phản ứng chuỗi men RT-PCR
- Miễn dịch huỳnh quang
- Xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên
8. Điều trị cúm A:
8. Điều trị cúm A:
Một số trường hợp, Cúm A có thể tự khỏi sau 7-10 ngày nếu được điều trị đúng cách.
Hầu hết các trường hợp được chỉ định điều trị ngoại trú tại nhà, các trường hợp có diễn biến nặng thì cần nhập viện.
8.1. Cúm A uống thuốc gì?
Các thuốc kháng virus Cúm:
- Oseltamivir (Tamiflu)
- Zanamivir (Relenza)
- Peramivir (Rapivab)
Thuốc kháng virus cúm được dùng làm giảm khả năng lây lan virus cúm từ tế bào này sang tế bào khác và làm chậm quá trình lây nhiễm của nó. Các thuốc mày khi sử dụng cần có sự chỉ định của bác sĩ.
Trường hợp điều trị ngoại trú tại nhà, có thể dùng các thuốc để điều trị các triệu chứng của bệnh: Uống thuốc theo đơn của bác sĩ điều trị, không tự ý sử dụng thuốc.
- Uống thuốc hạ sốt, giảm đau: Paracetamol…
- Kháng sinh chống bội nhiễm
- Bù nước, điện giải, vitamin
8.2. Chế độ ăn uống sinh hoạt:
- Bệnh nhân cúm A nên được cách ly và nghỉ ngơi tại nhà, khi bị sốt thì ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi hết để tránh lây nhiễm cho người khác
- Cần hạn chế ra ngoài. Khi ra ngoài cần đeo khẩu trang, hạn chế chạm vào những đồ vật gia đình hay sử dụng để tránh lây lan bệnh.
- Uống nhiều nước
- Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế ăn các thực phẩm lạnh
- Cố gắng nghỉ ngơi nhiều
- Tắm nước ấm hoặc lau người, chườm ấm khi sốt cao
9. Cách phòng chống cúm A:
9. Cách phòng chống cúm A:
9.1. Biện pháp dự phòng:
Giáo dục sức khỏe cho người dân và nhân viên y tế: Vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hay cồn sát khuẩn, đeo khẩu trang khi ra ngoài, tránh tụ tập nơi đông người. Trong dịch cúm bùng phát, che mũi và miệng khi ho và hắt hơi.
9.2. Biện pháp dự phòng đặc hiệu là tiêm phòng vacxin:
Biện pháp tốt nhất để đề phòng bệnh cúm và giảm ảnh hưởng của dịch cúm là tiêm phòng vacxin.
Tuy nhiên, vacxin Cúm thường có hiệu lực ngắn (<1 năm) do hiện tượng trôi dạt kháng nguyên. Do đó, vacxin phòng virus cúm A cần được tiêm phòng hàng năm.
Các vacxin cúm an toàn và có hiệu quả phòng các thể nhẹ và nặng của cúm, có tỷ lệ bảo vệ tương đối cao khoảng 70-90%.
Có 2 loại vacxin cúm: là vacxin sống giảm độc lực và vacxin bất hoạt. Cả 2 loại này đều chứa các chủng virus cúm được khuyến cáo hàng năm: virus cúm A/H3N2, A /H1N1 và virus cúm B. Do đó, mỗi mũi tiêm phòng cúm có thể chống lại 3-4 loại virus cúm khác nhau trong năm.
Cần tiêm vacxin cúm đầy đủ và đúng lịch để phòng chống bệnh cúm và tránh bùng phát dịch. Đặc biệt đối với các đối tượng có nguy cơ mắc cao và dễ diễn biến nặng nên tiêm đầy đủ, đúng lịch, tiêm nhắc lại để chủ động phòng chống dịch.
9.3. Đối tượng nên ưu tiên tiêm vắc xin
- Trẻ em từ 6 tháng - 5 tuổi, Người già > 65 tuổi
- Người có bệnh lý mạn tính
- Nhân viên y tế
- Phụ nữ mang thai
- Người trông trẻ (người giúp việc, giáo viên mầm non...)
- Người bị suy giảm miễn dịch...
Người dân nên đề cao cảnh giác, chủ động phòng bệnh. Khi mắc bệnh nếu thấy các triệu chứng diễn biến nặng hơn, hoặc có các biểu hiện bất thường cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
10. Các câu hỏi thường gặp:
10. Các câu hỏi thường gặp:
10.1. Cúm A có lây không? Lây như thế nào?
Cúm A có khả năng lây nhiễm rất cao và nhanh, có thể gây dịch và đại dịch.
Bệnh lây lan qua đường hô hấp, lây từ người sang người qua:
- Các giọt bắn vào không khí (nước bọt, dịch tiết mũi họng khi bệnh nhân ho, hắt hơi),
- Bề mặt ô nhiễm: Các chủng virus cúm A có khả năng tồn tại lâu trong môi trường bên ngoài, có thể tồn tại lên đến 48h trên bề mặt như tay nắm cửa, bàn, ghế, tủ,... lên đến 12h trên quần áo, và duy trì 5 phút trên lòng bàn tay.
Trường hợp lây nhiễm từ động vật sang người, qua:
- Giọt bắn
- Ăn thịt tươi sống
- Bề mặt ô nhiễm, phân chim
10.2. Cúm A có nguy hiểm không?
Có. Cúm A là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, nguy hiểm đối với trẻ em và người lớn, dễ lây lan thành dịch.Người mắc cúm A có triệu chứng từ nhẹ đến nặng, tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi người. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, các đối tượng đặc biệt như: người già >65 tuổi, trẻ em <2 tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu có thể dễ mắc thêm các bệnh khác (bội nhiễm) hoặc gặp các biến chứng nặng có nguy cơ đe dọa tính mạng.
10.3. Cúm A rồi có bị lại không? có bị tái nhiễm không?
Có. Khi bị cúm nói chung và cúm A nói riêng, người bệnh sau khi bị cúm được chữa khỏi vẫn có khả năng tái nhiễm.
Do, cúm A là loại virus có khả năng biến đổi mạnh mẽ, nó có khả năng biến đổi kháng nguyên để phù hợp với điều kiện môi trường tạo thành các chủng virus cúm A khác nhau. Nên cần được tiêm phòng cúm mỗi năm để phòng nguy cơ các chủng mới có thể tấn công và đe dọa đến sức khỏe.
Mọi thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, Việc sử dụng thuốc phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn.
NGUỒN THAM KHẢO:
Bộ y tế, Tài liệu Tập huấn Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở người và một số nội dung về điều trị cúm A, 08/2022