Thoái hóa đốt sống cổ: Nguyên nhân, triệu chứng và các điều trị, phòng ngừa bệnh.
1. Tìm hiểu chung về thoái hóa đốt sống cổ
1. Tìm hiểu chung về thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa đốt sống cổ hay còn gọi là thoái hóa cột sống cổ là một bệnh lý xương khớp mạn tính với những tổn thương thoái hóa ở sụn khớp và/hoặc đĩa đệm cột sống. Thoái hóa đốt sống cổ có thể xảy ra ở bất kỳ đốt sống nào nhưng thường gặp nhất ở các đoạn số 5, số 6, số 7 gây các cơn đau vùng cổ gáy đặc biệt khi vận động vùng cổ.
Ngày nay, thoái hóa cột sống nói chung và thoái hóa cột sống cổ nói riêng có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Những đối tượng có nguy cơ mắc thoái hóa cột sống không chỉ có người cao tuổi, người làm việc nặng mà còn gặp ở những người làm việc văn phòng, người thường xuyên phải làm việc với máy tính, người ít vận động.
Tỉ lệ thoái hóa đốt sống cổ là ngang nhau giữa 2 giới nam và nữ
2. Triệu chứng của thoái hóa đốt sống cổ
2. Triệu chứng của thoái hóa đốt sống cổ
Mỗi bệnh nhân khi mắc thoái hóa đốt sống cổ lại có những triệu chứng riêng biệt. Bệnh không chỉ biểu hiện tại các đốt sống cổ mà còn có các biểu hiện toàn thân.
Triệu chứng tại nguyên nhân gây đau:
- Tất cả những bệnh nhân bị thoái hóa đốt sống cổ đều đau. Tuy mức độ đau trên các bệnh nhân là rất khác nhau có người đau nhẹ có người đau kèm theo co cứng các cơ xung quanh. Bệnh nhân sẽ cảm thấy đau tăng lên sau các hoạt động mạnh, hoặc khi thay đổi thời tiết.
- Hạn chế vận động ở vùng cổ: Một số bệnh nhân thường phàn nàn rằng họ khó quay cổ theo các hướng, khi vận động vùng cổ thường phát ra những tiếng lục cục và kèm theo cảm giác đau.
- Hội chứng rễ thần kinh: Khi các đốt sống cổ bị sai lệch khỏi vị trí sinh học nó có thể chèn vào các dây thần kinh gây hiện tượng đau lan từ vùng cổ xuống vai rồi xuống cánh tay. Bệnh nhân cảm giác nhức nhối đôi lúc như kiến bò hoặc cảm giác tê bì ảnh hưởng nhiều đến vận động trong sinh hoạt của người bệnh.
- Cũng giống như hội chứng rễ thần kinh, các mạch máu xung quanh có thể bị các đốt sống cổ chèn ép làm hạn chế tuần hoàn máu não. Nhiều bệnh nhân mắc thoái hóa đốt sống cổ bị đau đầu, hoa mắt, chóng mắt. Bệnh nhân còn có thể cảm thấy đau tai hoặc nuốt vướng.
- Khi các đốt sống chèn vào tủy sống bệnh nhân có thể bị yếu chi thậm chí là liệt tùy vào mức độ và vùng bị chèn ép.
Không chỉ gây đau tại vị trí quanh vùng cổ, bệnh còn khiến cơ thể mệt mỏi, dễ cáu gắt. Đặc biệt đau có thể khiến bệnh nhân mất ngủ làm suy nhược cơ thể, làm việc kém hiệu quả.
3. Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ
3. Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ
Có nhiều yếu tố có thể gây ra tình trạng thoái hóa đốt sống cổ nhưng dưới đây là những nguyên nhân phổ biến ảnh hưởng đến thoái hóa đốt sống cổ:
- Quá trình lão hóa của tổ chức sụn, tế bào và tổ chức khớp và quanh khớp: quá trình này thường xảy ra ở những người từ 40 đến 50 tuổi. Ở độ tuổi này, sự lão hóa xương khớp diễn ra ngày càng nhanh
- Hoặc do quá trình làm việc sụn phải chịu áp lực cao kéo dài dẫn đến tổn thương mạn tính.
4. Các biến chứng mà bệnh nhân thoái hóa cổ thường gặp phải.
4. Các biến chứng mà bệnh nhân thoái hóa cổ thường gặp phải.
Bệnh thoái hóa đốt sống cổ là một bệnh phổ biến có nhiều biến chứng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời.
- Bệnh nếu để tiến triển nặng có thể gây thoát vị đĩa đệm khiến tình trạng đau và hạn chế vận động tăng thêm.
- Khi các mạch máu tổn thương, lâu ngày sẽ rất dễ hình thành huyết khối, các cục máu đông có thể gây tắc mạch dẫn đến tử vong.
- Biến chứng xấu nhất của bệnh thoái hóa đốt sống cổ là bệnh nhân bị hạn chế vận động ở nhiều vùng hoặc liệt các chi.
5. Cách điều trị bệnh thoái hóa đốt sống cổ.
5. Cách điều trị bệnh thoái hóa đốt sống cổ.
Hiện nay khi điều trị bệnh thoái hóa đốt sống các bác sĩ sẽ kết hợp vừa điều trị nội khoa vừa phục hồi chức năng, luyện tập và thay đổi lối sống.
- Trong điều trị nội khoa các bác sĩ sẻ chủ yếu tập trung vào giảm đau và bảo toàn chức năng vùng cột sống cổ cho bệnh nhân.
- Các thuốc giảm đau thường được lựa chọn như paracetamol, Ibuprofen, Celecoxib,.. những thuốc này tương đối an toàn nhưng khi phải sử dụng kéo dài lại thường gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy khi sử dụng thuốc bệnh nhân nên tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc bảo toàn chức năng xương thường được sử dụng như: glucosamin.
Ngoài 2 nhóm thuốc trên, tùy thuộc vào các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải bác sĩ sẽ dùng thêm các thuốc điều trị triệu chứng như: giãn cơ vân, giảm đau thần kinh hoặc bổ sung thêm các vitamin nhóm B để điều trị các bệnh liên quan đến dây thần kinh.
- Trong một số trường hợp khi điều trị nội khoa không đáp ứng hoặc tình trạng bệnh nhân tiến triển nặng nhanh bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân có những can thiệp ngoại khoa.
- Bệnh nhân thoái hóa đốt sống cổ ngoài sử dụng thuốc theo đúng chỉ định cần được phục hồi chức năng đúng cách. Không phải bài tập nào bệnh nhân thoái hóa đốt sống cổ cũng có thể tập được. Vậy nên trước khi luyện tập hãy tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn để nhận được sự tư vấn chính xác nhất.
6. Biện pháp phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ.
6. Biện pháp phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ.
Bệnh thoái hóa đốt sống cổ diễn biến thầm lặng trong nhiều năm vì vậy bệnh nhân nên đi khám định kỳ để được phát hiện và điều trị sớm nhất. Ngoài ra mọi người cũng nên thay đổi chế độ sinh hoạt để hạn chế bệnh khởi phát.
- Đối với những người làm việc văn phòng, công việc yêu cầu nhìn máy tính nhiều và ít vận động. Bệnh nhân nên dành ra vài phút để vận động, mát xa vùng cổ để tránh tình trạng căng cứng cơ kéo dài.
- Người lao động cần bê vác nặng như công nhân xây dựng, công nhân vệ sinh, nhân viên kho vận,... nên chú ý bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi, glucosamin,... để bổ sung trong thực đơn hàng ngày.
- Mọi người nên dành ra khoảng 30 đến 1 giờ mỗi ngày để tập luyện thể dục vừa giúp cơ thể tăng cường hấp thu canxi vừa giúp giãn các vùng cơ dễ bị co cứng.
Hy vọng bài viết trên sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Lưu ý, mọi thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, việc dùng thuốc phải tham khảo ý kiến của dược sĩ và bác sĩ chuyên môn.
NGUỒN THAM KHẢO:
Bộ y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp