Thành phần

Thành phần hoạt chất: Gabapentin 300 mg

Thành phần tá dược: Tinh bột tiền hồ hóa, tinh bột ngô, povidon K30, talc, colloidal silica khan, magnesi stearat.

Chỉ định

- Điều trị hỗ trợ trong động kinh cục bộ.

- Để điều trị đau do viêm các dây thần kinh ngoại biên, đau sau bệnh zona.

Chống chỉ định

Mẫn cảm với gabapentin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.

Liều dùng

Chống động kinh:

Người lớn và trẻ em > 12 tuổi:

  • Ngày đầu tiên: 300 mg x 1 lần.

  • Ngày thứ 2: 300 mg/lần x 2 lần.

  • Ngày thứ 3: 300 mg/lần x 3 lần.

  • Sau đó liều có thể tăng thêm từng bước 300 mg/ngày, dựa trên đáp ứng và dung nạp của bệnh nhân cho đến khi đạt liều điều trị hiệu quả, thông thường là 900–1800 mg/ngày, chia 3 lần, tối đa không quá 2400 mg/ngày. Nên chia đều tổng liều hàng ngày cho mỗi lần dùng thuốc và khoảng cách dùng thuốc không nên quá 12 giờ. Khi dùng liều cao có thể chia 4 lần/ngày.

Trẻ em 6–12 tuổi, cân nặng 30–36 kg:

  • Ngày đầu tiên: 300 mg x 1 lần/ngày.

  • Ngày thứ hai: 300 mg x 1 lần/ngày.

  • Ngày thứ ba: 300 mg x 1 lần/ngày.

  • Liều thông thường: 300 mg/lần x 3 lần/ngày.

  • Liều duy trì: 300 mg/lần x 3 lần/ngày.

Một số trẻ không dung nạp được phần tăng thêm hàng ngày, kéo dài khoảng thời gian tăng thêm (tới hàng tuần) có thể thích hợp hơn.

Chưa có đánh giá về việc sử dụng gabapentin cho trẻ em dưới 12 tuổi bị suy giảm chức năng thận.

Điều trị đau do viêm các dây thần kinh ngoại biên, đau sau bệnh zona:

Người lớn: Uống không quá 1800 mg/ngày, chia 3 lần. Hoặc dùng như sau:

  • Ngày thứ nhất: 300 mg.

  • Ngày thứ hai: 300 mg/lần x 2 lần/ngày.

  • Ngày thứ ba: 300 mg/lần x 3 lần/ngày.

  • Sau đó liều có thể tăng thêm từng bước 300 mg/ngày, dựa trên đáp ứng và dung nạp của người bệnh, cho đến khi đạt liều tối đa 1800 mg/ngày, tổng liều/ngày được chia ra, uống 3 lần.

Người cao tuổi: Cần điều chỉnh liều do giảm chức năng thận.

Tác dụng phụ

Khi sử dụng thuốc Neuronstad, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR).

Thường gặp, ADR > 1/100

  • Thần kinh: Vận động mất phối hợp, rung giật nhãn cầu, mệt mỏi, chóng mặt, phù, buồn ngủ, giảm trí nhớ.

  • Trẻ em 3–12 tuổi: Gặp các vấn đề về thần kinh như lo âu, thay đổi cách ứng xử (quấy khóc, cảm giác sảng khoái hoặc trầm cảm, quá kích động, thái độ chống đối...).

  • Tiêu hóa: Khó tiêu, khô miệng, táo bón, đau bụng, tiêu chảy.

  • Tim mạch: Phù mạch ngoại biên.

  • Hô hấp: Viêm mũi, viêm họng–hầu, ho, viêm phổi.

  • Mắt: Nhìn một hóa hai, giảm thị lực.

  • Cơ–xương: Đau cơ, đau khớp.

  • Da: Mẩn ngứa, ban da.

  • Máu: Giảm bạch cầu.

  • Khác: Liệt dương, nhiễm virus.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

  • Thần kinh: Mất trí nhớ, mất ngôn ngữ, trầm cảm, cáu gắt, thay đổi tâm trí hoặc tính khí, liệt nhẹ, giảm hoặc mất dục cảm, nhức đầu.

  • Tiêu hóa: Rối loạn tiêu hoá, chảy máu lợi, viêm miệng, mất hoặc rối loạn vị giác.

  • Tim mạch: Hạ huyết áp, đau thắt ngực, rối loạn mạch ngoại vi, hồi hộp.

  • Khác: Tăng cân, gan to.

Hiếm gặp, 1/10000 < ADR < 1/1000

  • Thần kinh: Liệt dây thần kinh, rối loạn nhân cách, tăng dục cảm, giảm chức năng vận động, rối loạn tâm thần.

  • Tiêu hóa: Loét dạ dày–tá tràng, viêm thực quản, viêm đại tràng, viêm trực tràng.

  • Hô hấp: Ho, khản tiếng, viêm niêm mạc đường hô hấp, giảm thông khí phổi, phù phổi.

  • Mắt: Ngứa mắt, chảy nước mắt, bệnh võng mạc, viêm mống mắt.

  • Cơ xương: Viêm sụn, loãng xương, đau lưng.

  • Máu: Giảm bạch cầu (thường không có triệu chứng), thời gian máu chảy kéo dài.

  • Sốt hoặc rét run.

  • Hội chứng Stevens–Johnson.

Bảo quản

Bảo quản trong bao bì kín, nơi khô. Nhiệt độ không quá 30°C.