Nứt gót chân do đâu? Cách khắc phục hiệu quả

Thời tiết đang lạnh và khô hanh hơn, đây chính là khoảng thời gian mà chúng ta hay gặp tình trạng bong tróc, nứt nẻ đặc biệt là nứt gót chân. Tuy hiện tượng này không nguy hiểm đến sức khỏe nhưng nó vẫn gây ra nhiều cảm giác đau đớn. Vì vậy qua bài viết này, hãy cùng Upharma tìm ra nguyên nhân gây nứt gót chân để phòng tránh cũng như biện pháp khắc phục hiệu quả nhé!

1. Tổng quát về hiện tượng nứt gót chân

Dấu hiệu nhận biết nứt gót chân là vùng da tại vị trí gót chân dày hơn, thô ráp và sau đó nhiều lớp tế bào chết tại đây sẽ tích đọng lại rồi bong tróc, nứt nẻ. Nặng hơn, khi tiếp xúc với nước hay vận động nhiều thì gót chân bị nứt sâu, rướm máu, gây cảm giác rất đau đớn và thậm chí cản trở việc đi lại bình thường. Một trường hợp khác, khi gặp điều kiện thuận lợi, các loại virus và vi khuẩn xâm nhập vào vị trí tổn thương dẫn đến nhiều trùng, mưng mủ và gây sốt. 

nứt gót chân
Hiện tượng nứt gót chân

2. Ảnh hưởng của hiện tượng nứt gót chân

Tình trạng này mới đầu có thể chỉ gây ra cảm giác hơi ngứa ngáy và cộm chân. Nhưng về lâu dài khi chưa được xử lý, chúng ta sẽ thấy gót chân càng ngày càng nứt sâu và cảm giác đau đớn, khó chịu sẽ gia tăng.

Trường hợp nặng khi không may bị nhiễm khuẩn sẽ gây ra biểu hiện toàn thân như sốt cao và đến lúc này việc điều trị trở lên phức tạp hơn khi cần dùng đến các nhóm thuốc kháng sinh và kháng viêm.

nứt gót chân
Nứt gót chân trầm trọng

Ngoài ra, việc nứt gót chân sẽ làm giảm thẩm mỹ, khiến nhiều chị em phụ nữ không tự tin khi đi các loại giày dép hở. Bên cạnh đó việc đi giày cao gót cũng bị hạn chế do ảnh hưởng đến các vết nứt.

3. Nguyên nhân gây ra hiện tượng nứt gót chân

3.1. Do các thói quen sinh hoạt

Các hoạt động hàng ngày tưởng như rất bình thường nhưng nếu duy trì trong khoảng thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ nứt gót chân.

  • Duy trì tư thế đứng hoặc đi bộ trong thời gian quá dài: Khi bạn đứng tại một vị trí rất lâu và thường xuyên đặc biệt là trên các nền cứng sẽ tạo ra áp lực lớn xuống bàn chân trong đó có phần da gót chân. Tương tự với trường hợp đi bộ hoặc tập luyện gắng sức dồn quá nhiều lực vào vị trí gót thì đều sẽ khiến da gót chân dễ bị tổn thương, nứt nẻ.

  • Sử dụng giày dép không phù hợp chân: Việc đi giày cao hay dép sẽ để lộ phần gót chân và khi đó phần mỡ ở đây cần giãn ra để cân bằng trọng lượng dồn xuống. Hoặc nhiều chị em lựa chọn cỡ giày dép không chuẩn khiến phần gót bị chật. Đây đều là những thói quen hay gặp ở nhiều chị em phụ nữ và cũng chính là lý do gây nên hiện tượng nứt gót chân.

nứt gót chân
Sử dụng giày dép không phù hợp chân
  • Tắm nước quá nóng và sử dụng các chất tẩy rửa quá mạnh: Lớp da ở phần gót chân của bạn rất dễ bong tróc, trầy xước. Nếu bạn thường xuyên sử dụng các loại xà phòng sát khuẩn mạnh hoặc tắm với nhiệt độ quá cao sẽ làm mất lớp bảo vệ tự nhiên. Và từ  đó, da tại phần da chân của bạn có nguy cơ nứt rất cao.

3.2. Không cung cấp đủ nước

Việc cơ thể không được đáp ứng đủ nhu cầu về nước sẽ gây ra nhiều tình trạng xấu điển hình như bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, suy nhược, da xanh xao, khô ráp. Và nếu kết hợp với điều kiện khí hậu lạnh khô sẽ tăng khả năng gặp tình trạng nứt nẻ gót chân. 

3.3. Thiếu các vitamin

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vitamin B3 hay còn gọi là vitamin PP là thành phần quan trọng với cơ thể. Nó tham gia vào nhiều quá trình chuyển hoá đồng thời giúp chúng ta sử dụng được chất béo và protein để duy trì vẻ đẹp của mái tóc cùng làn da. Vì vậy, nếu thiếu loại vitamin này, da sẽ bị khô, nẻ, gót chân bị nứt, đau. Để đảm bảo cung cấp đủ lượng vitamin B3 hàng ngày, bạn có thể sử dụng viên uống hoặc các thực phẩm như cá hồi, củ cải, thịt bò, đậu hà lan,... với lượng thích hợp. 

Ngoài ra, bị nứt gót chân có thể do thiếu các loại vitamin khác điển hình như vitamin E, vitamin A,...

3.4. Do một số tình trạng bệnh lý

Một số bệnh lý như đái tháo đường, suy giáp, nhiễm trùng do nấm, vảy nến,.... cũng là nguyên nhân khiến chúng ta bị nứt gót chân.

  • Bệnh tiểu đường làm rối loạn lưu thông và tuần hoàn máu đồng thời gây ra khô da. Mặt khác khi lượng đường trong máu cao, các dây thần kinh cảm giác sẽ bị tổn thương. Điều này khiến chúng ta không cảm thấy đau khi gót chân nứt nẻ vì vậy tình hình ngày càng xấu đi. Đến khi chú ý đến thì lúc đó tình trạng đã nặng hơn nhiều và biện pháp khắc phục cũng khó khăn hơn.

  • Nhiễm nấm ở chân cũng là nguyên nhân khá phổ biến gây ra hiện tượng nứt gót chân. Tuy nhiên, để có thể xác định đúng căn nguyên này bạn cần đi thăm khám bác sĩ da liễu để sau đó có biện pháp điều trị phù hợp.

nứt gót chân
Nhiễm nấm ở chân là nguyên nhân gây ra nứt gót chân

4. Các biện pháp khắc phục hiện tượng nứt gót chân

4.1. Sử dụng kem dưỡng ẩm

Việc thường xuyên dùng kem dưỡng ẩm chuyên sâu cho gót chân sẽ giúp bạn nhận thấy sự cải thiện rõ rệt của hiện tượng nứt nẻ, bong tróc phần gót chân. Thành phần chủ yếu có trong các loại kem dưỡng này sẽ là acid salicylic, acid alpha hydroxyd hay isomerate,... Để đảm bảo phát huy được hiệu quả tốt nhất, bạn nên thoa lượng kem phù hợp với tần suất từ 2 đến 3 lần mỗi ngày. Trong thời gian ban đầu khi sử dụng những loại kem này bạn có thể sẽ có cảm giác châm chích nhẹ. Vì vậy, chúng ta hãy theo dõi các phản ứng này. Nếu chúng tăng lên thì bạn nên tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ da liễu.

4.2. Tẩy da chết cho chân 

Trong quy trình chăm sóc da hàng ngày, chúng ta thường không chú ý đến vùng da ở phần gót chân vì vậy da ở đây sẽ dày hơn, thô ráp hơn. Có một số biện pháp hữu ích và đơn giản có thể hỗ trợ chúng ta làm mềm da gót chân chính là ngâm chân bằng nước ấm và tẩy tế bào chết. Tuy nhiên có một số điều bạn cần lưu ý khi sử dụng phương pháp này như:

  • Nhiệt độ nước quá nóng hoặc quá lạnh không thích hợp để bạn ngâm chân và thời gian ngâm chân hàng ngày khoảng từ 20 phút đến 30 phút chứ không cần quá lâu. 

  • Để nhẹ nhàng lấy đi lớp tế bào chết ở trên bàn chân và đặc biệt là gót chân chúng ta có thể sử dụng các dụng cụ chà chân chuyên dụng hoặc xơ mướp, đá cuội.

  • Lấy khăn bông mềm lau nhẹ nhàng để chân khô ráo và đặc biệt tránh chà sát mạnh. 

  • Một lưu ý khá quan trọng khi áp dụng phương pháp tẩy da chết đó là khi vùng da chân đang rất khô thì việc tẩy da chết sẽ làm tổn thương phần da này.

nứt gót chân
Tẩy da chết cho chân

4.3. Sử dụng các nguyên liệu thiên nhiên quen thuộc

  • Mật ong: Đây được biết đến như một sản phẩm từ thiên nhiên có hiệu quả rất tốt trong việc khắc phục tình trạng nứt nẻ gót chân. Sở dĩ có công dụng tuyệt vời này là do mật ong có tính kháng khuẩn tốt đồng thời có khả năng sát trùng, làm sạch vết thương. Chúng ta có thể dùng mật ong để đắp như là một loại mặt nạ ngủ ban đêm cho da bàn chân hoặc hòa mật ong vào nước ấm để ngâm chân.

  • Dầu dừa: Có thể dùng dầu dừa để pha vào nước ấm ngâm chân hoặc kết hợp dầu dừa với nghệ để loại đi lớp sừng trên gót chân. Cả 2 cách đều có tác dụng cung cấp độ ẩm và làm mềm da gót chân.

  • Muối và chanh: Với công dụng tẩy tế bào chết hiệu quả ngoài ra còn cung cấp một độ ẩm vừa phải cho làn da thì việc sử dụng 2 thành phần này là vô cùng hữu ích.  Mặt khác, chanh và muối còn giúp tế bào tăng sinh, tạo tế bào da mới, phục hồi da nứt nẻ. Cách dùng đơn giản nhất là hòa chanh và muối vào nước ấm để ngâm chân, tuy nhiên cần lưu ý khi da gót chân bị nứt quá nặng thì việc ngâm chân này sẽ khiến chúng ta cảm thấy xót và đau.

  • Chuối và bơ: Với lượng lớn vitamin E trong bơ và lượng vitamin B dồi dào  trong chuối sẽ giúp điều trị nẻ gót chân rất hữu hiệu. Khi trộn một nửa quả bơ với 1 quả chuối rồi xay nhuyễn sẽ được hỗn hợp dùng để đắp gót chân. 

nứt gót chân
Chuối và bơ được sử dụng để cải thiện tình trạng nứt gót chân
  • Từ rất lâu trước đây, nha đam luôn được biết đến với nhiều tác dụng trong đó có kháng khuẩn, kháng viêm có thể giúp phục hồi các vết nứt nẻ, giảm đau một cách hiệu quả. Cách sử dụng nha đam đơn giản là bóc vỏ lấy phần gel bên trong và thoa nhẹ nhàng lên phần gót chân.

4.4. Thay đổi các thói quen xấu

Các thói quen hàng ngày là nguyên nhân gây ra tình trạng nứt gót chân như đi giày không đúng size, đứng quá lâu tại 1 vị trí, sử dụng chất tẩy rửa quá mạnh cần thay đổi. Nếu vẫn giữ nguyên các thói quen này thì tình trạng nứt nẻ gót chân sẽ tái diễn nhiều lần và không thể khỏi hoàn toàn được.

Bài viết trên đây đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích liên quan đến hiện tượng nứt gót chân. Tuy đây không phải bệnh lý nghiêm trọng nhưng sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày và gây ra những cảm giác khó chịu cho chúng ta. Vì vậy với các nguyên nhân và biện pháp được liệt kê trong bài viết, Upharma hy vọng các bạn sẽ không gặp phải tình trạng này hoặc nếu đang bị thì sẽ nhanh chóng hồi phục.