Trào ngược dạ dày và những nguy cơ tiềm ẩn

Trào ngược dạ dày là một hiện tượng bệnh lý khi dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Tình trạng này lặp đi lặp lại quá mức sẽ gây khó chịu và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, chúng ta cần có những can thiệp kịp thời để không đi đến những tình trạng nghiêm trọng hơn. Hãy cùng Upharma tìm hiểu về nguy cơ tiềm ẩn của bệnh lý này qua bài viết dưới đây.

1. Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày?

1.1. Ăn uống thực phẩm không tốt cho dạ dày

Ngày này, công việc và guồng quay cuộc sống khiến mọi người không còn đủ thời gian quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng. Từ đó, thức ăn nhanh và đồ uống có gas trở thành lựa chọn ưu tiên cho các bữa ăn. Không chỉ vì sự tiện lợi, đồ ăn nhanh còn mang đến hương vị vô cùng hấp dẫn. Các loại đồ ăn này thường khó tiêu nên không tốt cho dạ dày.

Thức ăn nhanh và đồ uống có gas là thực phẩm gây hại cho dạ dày

Bên cạnh đó chế độ ăn uống thiếu chất xơ, ăn nhiều dầu, bơ mỡ động vật cũng mất nhiều thời gian để tiêu hóa. Khi thức ăn lưu trữ lâu, càng kích thích dạ dày tăng tiết axit, từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh. Thực tế cho thấy người mắc bệnh lý trào ngược dạ dày ngày càng nhiều và phổ biến hơn. 

1.2. Sử dụng thuốc

Các thuốc trị tăng huyết áp như thuốc ức chế kênh canxi, kháng cholinergic, hoặc thuốc giảm đau kháng viêm cũng ảnh hưởng dạ dày. Tác dụng phụ bị than phiền nhiều nhất khi sử dụng loại thuốc này là tình trạng khó chịu do tăng tiết axit kéo dài. Các thuốc kháng sinh như tetracycline, thuốc bisphosphonates hay kali cũng làm nặng thêm triệu chứng trào ngược. 

Một số thuốc cũng là nguyên nhân gây ra bệnh trào ngược dạ dày

1.3. Áp lực, căng thẳng tinh thần

Cơ chế chung của bệnh trào ngược dạ dày liên quan trực tiếp tới axit trong dịch vị. Lượng axit trong dạ dày càng nhiều thì triệu chứng của bạn biểu hiện càng rõ. Khi bạn trải qua các căng thẳng về tinh thần, cơ thể bạn sẽ tự động sản sinh ra nhiều axit hơn. Chúng ta càng stress thì hệ tiêu hóa càng bị ảnh hưởng. Biểu hiện rõ ràng nhất là xuất hiện những cơn nóng rát khó chịu ở bụng kèm theo đầy hơi. 

Căng thẳng trong đời sống hàng ngày có thể dẫn đến bệnh về dạ dày

1.4. Nguyên nhân khác

Lối sống không lành mạnh cũng góp phần gây ra bệnh trào ngược dạ dày. Việc thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia hoặc thừa cân béo phì đều là yếu tố nguy cơ tăng tiết axit dịch vị. Đặc biệt là khi bạn mang thai hoặc khi thai ở những tháng cuối, các triệu chứng trào ngược có xu hướng nặng hơn.

2. Triệu chứng trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày rất thường gặp trong cuộc sống, tuy nhiên phần lớn mọi người vẫn chủ quan với những biểu hiện của nó. Các biểu hiện thường gặp gồm:

  • Ợ nóng: bạn sẽ thường cảm giác nóng rát vùng thượng vị nhiều khi lan lên sau xương ức. Một số trường hợp người ta mô tả triệu chứng ợ nóng như cảm giác đau ngực.

Ợ nóng, ợ chua là biếu hiện điển hình cuả bệnh trào ngược dạ dày
  • Ợ trớ: là khi dịch vị bị trào lên bạn cảm giác có vị chua hoặc nóng rát ở cổ họng. Nhiều khi bạn sẽ có kèm theo khó nuốt hoặc nuốt đau.

  • Tăng tiết nước bọt: cảm giác nước bọt tiết ra liên tục không ngừng, dù bạn không ăn uống.

Các triệu chứng này thường kéo dài lặp đi lặp lại nhiều lần khiến bạn khó chịu và có thể khiến bạn gặp các vấn đề nghiêm trọng. Nếu bạn bị đau ngực đau lan đến vai và cánh tay thì đây là một triệu chứng đặc biệt nguy hiểm. Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm của bệnh nhồi máu cơ tim, bạn cần đến cơ sở y tế ngay lập tức.

3. Biến chứng tại thực quản

3.1. Hẹp thực quản

Biến chứng hẹp thực quản ít gặp ở người bị trào ngược dạ dày thực quản, chỉ chiếm 10% các trường hợp. Khi axit dịch vị trào lên và liên tục tiếp xúc với thực quản gây viêm, sưng. Do vậy các lớp niêm mạc dần dần bị ăn mòn. Cơ thể có cơ chế làm lành tổn thương niêm mạc tuy nhiên lâu ngày dày lên tạo thành sẹo. Khi khối mô sẹo này dày to quá mức gây hẹp đường thực quản ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh.

3.2. Loét thực quản

Bên cạnh hẹp thực quản thì biến chứng thường gặp hơn là loét thực quản. Do tình trạng trào ngược dạ dày kéo dài nên các cơ chế tự lành của cơ thể không đáp ứng được. Các lớp niêm mạc thực quản lại luôn tiếp tục bị ăn mòn. Từ đó, dần dần bộc lộ đến lớp cuối cùng, gây loét và có thể thủng thực quản. 

3.3. Ung thư thực quản

Đây là biến chứng tiềm ẩn nguy hiểm nhất khi bị trào ngược dạ dày thực quản. Các tế bào ở thực quản sau khi bị tổn thương kéo dài sẽ tăng sinh, để tái tạo mô đã mất. Cơ chế này thực chất là cơ chế tự nhiên của cơ thể. Nhưng vì nguyên nhân nào đó, các tế bào tự biến đổi nhanh chóng tăng trưởng không kiểm soát tạo ra các khối u. Theo nhiều nghiên cứu là do môi trường trong lòng thực quản bị thay đổi, nên tạo điều kiện cho các tế bào biến đổi.

4. Biến chứng ngoài thực quản

4.1. Mòn men răng

Thực quản là nơi liên thông giữa răng miệng với dạ dày, mà axit trong dạ dày có tính ăn mòn rất cao. Khi tình trạng bệnh kéo dài, răng của người bệnh sẽ thường xuyên tiếp xúc với axit. Các răng tiếp xúc nhiều lâu dần sẽ bị ăn mòn theo và gây ra nhiều bệnh lý khác về răng miệng.

Các răng tiếp xúc axit từ dạ dày trào ngược nhiều lâu dần sẽ bị ăn mòn

4.2. Mô mềm miệng rối loạn

Các mô và tế bào ở miệng cũng giống như ở thực quản qua thời gian dài tiếp xúc với axit dịch vị sẽ thay đổi. Tế bào biến đổi cũng có khả năng cao gây nguy cơ ung thư miệng, vòm hầu. Do đó, bạn không được chủ quan về tình trạng bệnh của mình. Nếu bạn gặp phải triệu chứng bất thường, bạn nên đến tư vấn và thăm khám tại các cơ sở uy tín.

4.3. Bệnh lý đường hô hấp

Ngoài các biến chứng trên, một vài nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa trào ngược dạ dày và bệnh lý hô hấp. Thường gặp các bệnh như hen phế quản mạn, ho dai dẳng, viêm phổi,... 

5. Cần làm để phòng ngừa trào ngược dạ dày?

5.1. Thay đổi chế độ sinh hoạt và làm việc

Những thói quen sống không lành mạnh ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Do đó chúng ta cần thay đổi từ những điều nhỏ nhất:

  • Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn như rượu, bia và không nên hút thuốc lá.

  • Tạo tâm trạng, tinh thần thoải mái.

  • Sắp xếp thời gian làm việc hợp lý và có các hoạt động giải trí.

  • Bạn có thể tăng cường hoạt động thể lực. Khuyến cáo tập ít nhất 5 lần/tuần, mỗi lần tập nên kéo dài hơn 30 phút.

Tăng cường hoạt động thể lực sẽ cải thiện chất lượng đời sống sức khỏe của bạn

5.2. Thay đổi chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống phù hợp và đầy đủ chất dinh dưỡng còn ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý. Nó đặc biệt quan trọng trong phòng ngừa trào ngược dạ dày: 

  • Ăn bữa ăn đầy đủ 4 nhóm chất bao gồm: đạm, tinh bột, chất xơ và chất béo tốt. Trong đó ưu tiên ăn nhiều các loại rau, củ, quả.

  • Hạn chế sử dụng các loại đồ ăn nhiều chất béo xấu, đồ uống có gas.

  • Thay vì ăn quá no hãy chia ra các bữa phụ.

  • Việc ăn đồ ăn chua cay sẽ tăng tiết axit dạ dày nên cần hạn chế.

  • Cẩn trọng với các thức uống có cồn và caffein, không nên uống khi đói vì sẽ gây tăng tiết axit dạ dày.

Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh lý rất phổ biến và mang nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Hy vọng qua bài viết này, dược sĩ Upharma đã cung cấp thêm thông tin cho bạn về bệnh cũng như các biện pháp phòng tránh. Đừng quên theo dõi các bài viết của Upharma để để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích nhé.