Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em và những điều ba mẹ cần lưu ý
Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em (viêm kết mạc). Đây là căn bệnh dễ lây lan nhưng nếu được điều trị đúng cách trẻ sẽ sớm khỏe lại. Khi trẻ bị đau mắt đỏ ba mẹ cần phải có chế độ chăm sóc riêng và nắm rõ các biện pháp hỗ trợ để giúp trẻ hồi phục. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng dược sĩ Upharma tìm hiểu những điều cần l ưu ý để bảo vệ sức khỏe đôi mắt của bé trong giai đoạn này nhé!
1. Triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em
Đau mắt đỏ là một bệnh nhiễm trùng phổ biến ở mắt. Nguyên nhân chủ yếu thường do virus, vi khuẩn hoặc dị ứng với môi trường, thời tiết.
Triệu chứng điển hình nhất của bệnh là phần mô lót bề mặt ở phía bên trong mí mắt và cả lớp phủ bên ngoài bị viêm đỏ. Triệu chứng này xảy ra do các mạch máu ở bề mặt kết mạc bị viêm và giãn ra. Khi bị đau mắt đỏ bé còn cảm thấy cộm trong mắt kèm theo ngứa ngáy và khó chịu.
Trẻ bị đau mắt đỏ cũng thường gặp tình trạng chảy nước mắt lẫn với dịch nhầy làm dính hai mí mắt lại vào buổi sáng. Lúc này, mắt trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng. Khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh, các bé sẽ cảm thấy lóa mắt và khó chịu. Nhiều trường hợp, mí mắt bị đau mắt đỏ cũng có triệu chứng sưng và rũ xuống.

Triệu chứng của đau mắt đỏ thường bắt đầu ở một mắt trước khi lan sang mắt còn lại. Bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch tiết từ mắt của người nhiễm bệnh. Cần phải có biện pháp điều trị kịp thời để tránh biến chứng thành viêm niêm mạc.
2. Cách chăm sóc khi trẻ em bị đau mắt đỏ
Khi trẻ em bị đau mắt đỏ việc chăm sóc và điều trị đúng cách là vô cùng quan trọng. Nếu được chăm sóc tốt sẽ giúp cho trẻ nhanh hồi phục và hạn chế sự lây lan của bệnh đến những người xung quanh.
2.1. Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ

Điều đầu tiên và quan trọng nhất khi phát hiện bệnh đau mắt đỏ ở trẻ chính là cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị theo phác đồ phù hợp.
Đau mắt đỏ xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân cụ thể của từng trường hợp để lên phương án trị bệnh phù hợp nhất. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ là điều kiện quan trọng để đảm bảo điều trị hiệu quả và tránh tái phát bệnh.
2.2. Giữ vệ sinh cho mắt
Giữ vệ sinh cho mắt của trẻ là điều cần thiết để hạn chế sự phát triển của bệnh.
Rửa tay bằng xà phòng thật kỹ trước khi thực hiện các bước vệ sinh cá nhân, vệ sinh mắt cho trẻ để đảm bảo an toàn. Nếu mắt bé có dịch nhầy, cần sử dụng bông gòn hoặc khăn sạch nhúng vào nước ấm để lau nhẹ nhàng, tránh cọ xát mạnh làm tổn thương. Mỗi lần lau, nên sử dụng khăn mới để tránh lây nhiễm từ mắt này sang mắt kia.
Ngoài ra, cần để ý không cho trẻ dụi tay vào mắt để hạn chế làm nặng tình trạng bệnh và tránh nhiễm trùng lan rộng.
2.3. Hạn chế tối đa sự lây nhiễm
Trong các môi trường đông đúc và tiếp xúc gần, bệnh đau mắt đỏ lây nhiễm rất nhanh. Vì vậy ba mẹ nên cho trẻ nghỉ học và tránh tham gia các hoạt động tập thể cho đến khi bệnh được kiểm soát.
Trong gia đình, cần cách ly đồ dùng cá nhân của trẻ như khăn mặt, gối, hoặc chăn để tránh lây sang cho các thành viên khác. Khi giặt đồ, nên bỏ riêng đồ của con trẻ và phơi nắng hoặc sấy khô để hạn chế vi khuẩn. Đồng thời, hạn chế để trẻ tiếp xúc gần với những người khác, đặc biệt là trẻ nhỏ và người lớn tuổi.
2.4. Tăng cường sức đề kháng

Tăng cường sức đề kháng là một trong những yếu tố hàng đầu để giúp trẻ chống lại nhiễm trùng và hồi phục nhanh khi đau mắt đỏ.
Ba mẹ nên bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất cần thiết thông qua thực phẩm như trái cây, rau xanh, thịt, cá và sữa.
Khi bệnh đau mắt đỏ xuất hiện, cần đảm bảo cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ, tránh căng thẳng và mệt mỏi. Nếu trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, khó chịu, ba mẹ nên khuyến khích trẻ nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và uống nhiều nước.
Ba mẹ cần giữ cho bé được ở trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát, hạn chế tiếp xúc với khói bụi và các tác nhân gây dị ứng khác vì có thể làm bệnh nặng hơn.
Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em cần được hỗ trợ chăm sóc một cách tỉ mỉ và kiên nhẫn. Bằng cách thực hiện đúng các bước trên, ba mẹ có thể giúp con nhanh chóng hồi phục và giảm nguy cơ lây lan bệnh cho những người xung quanh.
3. Một số sai lầm khi điều trị và chăm sóc trẻ đau mắt đỏ

Dưới đây là một số sai lầm phổ biến khi điều trị đau mắt đỏ ở trẻ em có thể làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn:
-
Tự ý dùng thuốc: Nhiều ba mẹ tự ý mua thuốc nhỏ mắt hoặc kháng sinh mà không theo chỉ định của bác sĩ. Đây chính là nguyên nhân khiến triệu chứng của trẻ ngày càng nặng hơn do sai liều lượng và sử dụng thuốc không phù hợp.
-
Chữa bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em bằng mẹo dân gian: Nhiều người tự chữa bệnh đau mắt đỏ cho con nhỏ bằng các phương pháp dân gian. Những phương pháp này không làm cho bệnh đỡ hơn mà còn làm tăng triệu chứng bệnh. Có thể kể đến các phương pháp như xông mắt bằng lá trầu không hay nhỏ sữa vào mắt trẻ,…
-
Dùng chung đồ cá nhân: Việc cho bé dùng chung khăn mặt, gối hoặc chăn với người khác dễ lây nhiễm cho người xung quanh và tái nhiễm cho chính bé.
-
Dụi mắt: Trẻ thường dùng tay dụi mắt do ngứa, điều này có thể làm tình trạng nhiễm trùng lan rộng và làm tổn thương mắt.
-
Không vệ sinh đúng cách: Không lau sạch dịch nhầy trên mắt trẻ hoặc dùng cùng một chiếc khăn để lau cả hai mắt có thể khiến bệnh lan nhanh.
Bệnh đau mắt đỏ nếu muốn hồi phục nhanh và tránh lây lan cần phải có chế độ chăm sóc đúng cách và kịp thời. Ba mẹ cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để việc điều trị được diễn ra đúng phác đồ và hiệu quả nhất.
Hy vọng với những thông tin mà Upharma đã cung cấp sẽ giúp ba mẹ hiểu đúng về cách chăm sóc tình trạng bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em. Để theo dõi thêm nhiều kiến thức về bệnh học, các chỉ dẫn điều trị bệnh hiệu quả, bạn có thể theo dõi thêm các nội dung khác của chúng tôi tại đây nhé!