Cách xử trí hiệu quả viêm họng ở trẻ em
Viêm họng ở trẻ em chắc hẳn là vấn đề phổ biến khiến các phụ huynh lo lắng. Bệnh viêm họng được điều trị sớm, đúng cách sẽ hạn chế được biến chứng và ít gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ. Vậy cần xử trí như thế nào khi trẻ bị viêm họng? Hãy cùng Upharma tìm hiểu bằng bài viết dưới đây nhé.
1. Viêm họng ở trẻ em là gì?
Viêm họng ở trẻ em là bệnh lý viêm đường hô hấp trên phổ biến nhất mà trẻ em phải đến gặp bác sĩ chăm sóc ban đầu. Đây là tình trạng viêm màng nhầy và các cấu trúc bên dưới của cổ họng, khiến bạn cảm thấy ngứa, nóng rát, đau khi nuốt. Viêm họng ở trẻ em đa số lành tính và có thể tự khỏi. Bạn có thể mắc bệnh viêm họng ở bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, mùa lạnh hoặc thời tiết giao mùa sẽ khiến nhiều người bị viêm họng hơn cả. Nguyên nhân có thể giải thích rằng, ở những thời điểm này chúng ta dễ nhiễm vi khuẩn hay virus gây bệnh hơn.

Trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng còn yếu nên rất dễ bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với bệnh nhân bị viêm đường hô hấp.
-
Tác nhân của bệnh viêm họng cấp ở trẻ em nhiều nhất là do virus gây ra. Các virus đường hô hấp, chẳng hạn như virus cúm /Á cúm, Rhinovirus, coronavirus, Adenovirus là những loại virus phổ biến gây ra bệnh viêm họng cho trẻ.
-
Tiếp đến, các vi khuẩn như Haemophilus influenzae, tụ cầu, liên cầu, phế cầu … cũng là nguyên nhân của bệnh viêm họng.
-
Ngoài ra, môi trường và yếu tố sinh hoạt cũng tác động đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Các tác nhân virus /vi khuẩn gây viêm họng sẽ có cơ hội tấn công khi gặp môi trường thuận lợi, như:
-
Thời tiết thay đổi đột ngột khiến trẻ không thích nghi kịp.
-
Môi trường ô nhiễm, khói bụi, khói thuốc …
-
Trẻ mới đi nhà trẻ.
-
Vệ sinh răng miệng và họng của trẻ không thường xuyên.
-
Cho trẻ ăn, uống đồ quá lạnh.
-
Hít phải hóa chất độc hại.

2. Biểu hiện viêm họng ở trẻ em
Khi trẻ bị viêm họng, có thể có các biểu hiện sau:
-
Trẻ khó nuốt, đau rát họng khi nuốt, có thể kèm theo ho khan, ho có đờm, ho nhiều về sáng và đêm.
-
Trẻ biếng ăn, quấy khóc.
-
Trẻ sốt nhẹ hoặc có thể sốt cao kéo dài.
-
Trẻ có thể mắc kèm theo sổ mũi, ngạt mũi, khó thở.
-
Khi soi cổ họng của trẻ sẽ thấy sưng đỏ.
-
Trẻ nổi hạch ở bên hàm và cổ.
Các triệu chứng viêm họng có thể tự khỏi sau khoảng 1 tuần đối với những cơ thể có sức đề kháng tốt. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài và tái lại nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt và gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như: Viêm đường hô hấp dưới: viêm phế quản, viêm phổi, viêm khớp (thấp tim tiến triển), viêm tai giữa nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn liên cầu nhóm A (S.pyogenes).

3. Cách xử trí hiệu quả
3.1 Theo dõi tại nhà
Khi thấy con có các triệu chứng trên, bố mẹ nên cho con ở nhà và theo dõi thật cẩn thận các biểu hiện của trẻ. Chúng ta hãy giữ con trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát để con cảm thấy thoải mái nhất. Đồng thời, trẻ cũng cần được theo dõi các triệu chứng bất thường về thân nhiệt, ăn uống, vui chơi, tiểu tiện, đại tiện. Phụ huynh tốt nhất nên lưu lại các mốc thời gian về các bất thường của trẻ để có thể cung cấp đầy đủ thông tin nhất cho bác sĩ thăm khám.
Bố mẹ cần theo dõi thân nhiệt của trẻ bằng cách thường xuyên đo nhiệt độ cho con. Nếu con sốt cao kéo dài, không hạ sốt, hoặc các triệu chứng ngày càng nặng hơn, cần nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế gần nhất.

3.2. Xử lý y khoa
Theo một số chuyên gia Nhi khoa chia sẻ thì viêm họng ở trẻ em là bệnh lý cấp tính, nên việc điều trị sẽ tập trung chủ yếu vào điều trị triệu chứng.
Việc các phụ huynh có thể xử trí ngay tại nhà cho trẻ khi con mắc viêm họng là:
-
Dùng nước muối sinh lý để rửa mũi và họng cho trẻ.
-
Chườm mát cho trẻ giúp họng được xoa dịu.
-
Giữ ấm cho trẻ.
-
Cho trẻ ăn đồ ăn mềm.
-
Cho trẻ uống nhiều nước ấm.
Với trẻ nhỏ hơn 6 tháng, bố mẹ cần hết sức cẩn trọng, đưa trẻ đi khám bác sĩ sớm nhất khi phát hiện triệu chứng bệnh. Với trẻ lớn hơn, bố mẹ cũng đừng chủ quan. Chúng ta cần đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm nhất khi trẻ sốt cao kéo dài, không hạ sốt, các triệu chứng ngày càng nặng hơn.
Đồng thời, ba mẹ cũng không tự ý cho trẻ dùng thuốc tại nhà, đặc biệt là kháng sinh, khi không có chỉ định của bác sĩ.

3.3. Một số cách chữa viêm họng không dùng thuốc
Bạn cũng có thể tham khảo một số cách hỗ trợ trị viêm họng từ dược liệu dưới đây:
-
Gừng: Giúp kháng khuẩn, kháng viêm, tính ấm. Bạn có thể pha gừng với nước nóng như trà, thêm mật ong và chanh cho dễ uống. Thêm vào đó, nướng gừng lên và đập dập gừng trước khi pha để được tác dụng tốt nhất nhé.
-
Mật ong: Mật ong chỉ nên được sử dụng cho trẻ lớn hơn 1 tuổi. Nó có tính chất kháng khuẩn, tính ấm, có khả năng làm dịu cổ họng. Pha mật ong với nước ấm rồi uống, có thể giúp bạn cảm thấy cổ họng được xoa dịu tức thì.

-
Húng chanh: Thành phần carvacrol trong húng chanh có tác dụng tiêu đờm, giải độc, kháng khuẩn. Bạn hãy chưng húng chanh với đường phèn để thu được thành phẩm có vị ngọt dễ uống nhé. Đầu tiên hãy rửa sạch lá húng chanh rồi để cho ráo nước. Tiếp theo bạn có thể giã hoặc xay nhỏ lá húng chanh, vắt lấy nước cốt. Cho thêm vào một lượng đường phèn vừa đủ, chưng cách thuỷ khoảng 10 phút. Cho trẻ dùng 2 lần/ngày sẽ giúp trẻ giảm ho, đỡ đau họng.
-
Chanh/quất non: Từ xa xưa bài thuốc chanh/ quất hấp đường phèn đã được các mẹ rất hay dùng để trị ho, viêm họng. Dùng chanh/quất, nếu là quả non chưa có hạt có nước thì càng tốt. Tiếp theo, chỉ cần rửa sạch với nước muối, cắt đôi, bỏ hạt nếu có. Cho thêm vào một lượng đường phèn vừa đủ, chưng cách thuỷ khoảng 15 phút. Để nguội và sử dụng. Sau vài lần dùng, bạn sẽ thấy cổ họng dễ chịu hơn.

Trên đây là những bài thuốc dân gian mà các bà các mẹ hay dùng. Nó được lưu truyền đến ngày nay bởi sự dễ làm và hiệu quả tốt. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, ba mẹ cần cân nhắc kĩ trước khi sử dụng các bài thuốc dân gian trên cho trẻ. Ngoài ra, bạn cũng có thể liên hệ với dược sĩ Upharma để được tư vấn miễn phí!