Ứng dụng Nhà thuốc Upharma
Nhà thuốc Upharma

Đau cổ họng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Đau cổ họng là một triệu chứng phổ biến mà ai trong chúng ta cũng từng gặp phải. Tuy nhiên, đau cổ họng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Triệu chứng này chỉ có thể được điều trị một cách hiệu quả khi chúng ta hiểu rõ được nguyên nhân gốc rễ của nó. Trong bài viết này, Upharma sẽ chia sẻ chi tiết về bệnh đau cổ họng, bao gồm các nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị.

1. Nguyên nhân gây nên tình trạng đau cổ họng

Các nguyên nhân phổ biến có thể gây ra đau cổ họng bao gồm:
1.1. Viêm họng do vi khuẩn hoặc virus
Bệnh bắt nguồn từ sự viêm nhiễm của niêm mạc họng khi tiếp xúc với vi khuẩn hoặc virus. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến phản ứng sưng, đỏ họng, gây đau đớn khi nuốt hoặc nói. 
Thông thường, virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra triệu chứng đau họng. Các bệnh gây ra do virus bao gồm: cúm, cảm lạnh,...
Vi khuẩn như Liên cầu khuẩn nhóm A,.. cũng gây ra một số trường hợp viêm amidan và viêm họng nặng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng hơn và gây ra các biến chứng nguy hiểm hơn như viêm amidan có mủ, viêm phế quản, viêm đường hô hấp cấp,...
1.2. Tổn thương đường hô hấp trên do các bệnh lý
Các bệnh lý có thể gây ra tổn thương hô hấp trên bao gồm: cúm, viêm mũi dị ứng, hen suyễn và viêm xoang,... Khi mắc các bệnh này, cổ họng bị tấn công và dịch mũi chảy xuống. Tình trạng này gây rát và sưng đau ở họng. Nặng hơn, người bệnh có thể xuất hiện mủ trắng ở 2 bên họng, đi kèm các triệu chứng như sốt cao, ho có đờm, mệt mỏi,...
1.3. Hút thuốc
Hút thuốc là một trong những nguyên nhân gây ra triệu chứng đau cổ họng. Khi hút thuốc, khói thuốc lá sẽ theo đường hô hấp đến cổ họng của người hút. Trong thuốc lá có chứa hỗn hợp các hóa chất độc hại. Khi bị đốt cháy, nó sẽ chuyển thành dạng khí. Ở nhiệt độ cao, chúng tạo nên nguy cơ gây kích thích các mô nhạy cảm ở lớp niêm mạc họng.

Hút thuốc là một trong những nguyên nhân gây đau cổ họng
Hút thuốc là một trong những nguyên nhân gây đau cổ họng

Do đó, những người có thói quen hút thuốc lá có thể bị đau họng kéo dài kèm theo tình trạng ho có đờm.
1.4. Tiếp xúc với các tác nhân kích thích khác nhau
Đây có thể là do tiếp xúc với các chất hóa học, khói hoặc bụi trong không khí, từ đó gây kích ứng và làm tổn thương cổ họng. Ngoài ra còn có một số dị nguyên gây kích ứng khác như lông động vật, phấn hoa, khói bụi ô nhiễm,...Đây cũng có thể là nguyên nhân gây kích ứng cổ họng, làm cổ họng sưng đau.
1.5. Sử dụng giọng nói quá mức
Sử dụng quá mức giọng nói, đặc biệt là trong những nghề nghiệp bắt buộc phải giao tiếp và nói nhiều như: giáo viên, ca sĩ, diễn viên,... có thể gây tổn thương họng và làm họng đau rát.
1.6. Trào ngược dạ dày - thực quản
Trào ngược dạ dày - thực quản là hiện tượng xảy ra khi dịch vị bao gồm axit HCl, men pepsin từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Các chất này sẽ phá hủy niêm mạc họng, làm họng bị kích ứng và đau rát. Đây là một trong những nguyên nhân gây đau họng thường gặp nhưng dễ bị bỏ qua nhất. Ngoài đau họng, bệnh nhân còn gặp các triệu chứng khác như ợ chua, ợ hơi, đau ngực, nghẹn cổ họng,...

2. Triệu chứng

Các triệu chứng đi kèm với đau cổ họng có thể giống hoặc khác nhau tùy theo nguyên nhân, bao gồm:

  • Đau họng hoặc khó chịu khi nuốt hoặc nói.

  • Viêm đỏ hoặc sưng tấy niêm mạc họng.

  • Sổ mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, mệt mỏi,...

Sổ mũi hắt hơi
Sổ mũi hắt hơi là một trong các triệu chứng đi kèm đau cổ họng
  • Ho khan hoặc khàn tiếng, có thể có đờm.

  • Sốt và các triệu chứng khác của viêm nhiễm hô hấp trên.

3. Các phương pháp điều trị đau cổ họng

Các phương pháp điều trị đau cổ họng thường bao gồm:
3.1. Tự điều trị tại nhà

Nếu triệu chứng không quá nghiêm trọng, chúng ta có thể tự điều trị đau cổ họng tại nhà bằng các phương pháp sau:

  • Sử dụng thuốc giảm đau và kháng viêm. Bạn có thể sử dụng Paracetamol hoặc ibuprofen.

  • Sử dụng xịt họng hoặc kẹo ngậm. Xịt họng hoặc kẹo ngậm có chứa các tinh chất keo ong và tinh dầu có thể giúp giảm đau và làm dịu các triệu chứng đau họng.

Xịt họng giảm ho
Xịt họng giảm ho
  • Uống nước ấm, súc họng nước muối. Nước ấm hoặc nước muối có thể làm giảm sự khô rát và giảm đau trong niêm mạc họng.

  • Uống nước chanh pha mật ong ấm hoặc xông các loại thảo dược cũng làm giảm đáng kể triệu chứng đau rát cổ họng.

3.2. Khi nào bệnh nhân cần đi khám?

Tình trạng đau cổ họng nếu nhẹ sẽ giảm sau 7-10 ngày điều trị tại nhà. Tuy nhiên nếu các triệu chứng nặng hơn, thì bạn cần đến các cơ sở y tế để thăm khác kịp thời. 

Một số triệu chứng bạn cần quan sát:

  • Cổ họng sưng đỏ, đau kéo dài, không đỡ sau khi tự chăm sóc tại nhà

  • Có nhiều mủ trắng xuất hiện ở hai bên họng

  • Xuất hiện thêm các triệu chứng khác như sốt, ho, khó thở, đau họng,...

  • Tức ngực, ợ chua ợ nóng tăng lên, đau vùng thượng vị,...

Các phương pháp có thể được sử dụng để điều trị những triệu chứng trên bao gồm

  • Sử dụng thuốc kháng sinh. Cefuroxim, cefdinir,... là các loại kháng sinh thường dùng để điều trị viêm họng

  • Điều trị bằng thuốc kháng histamin H1. Chlorpheniramin, desloratadin,... được sử dụng để giảm hắt hơi sổ mũi và các triệu chứng về dị ứng

  • Sử dụng chống viêm corticoid. Methylprednisolon, betamethason,... được sử dụng để giảm phù nè, sưng họng, giảm viêm.

  • Thực hiện các phương pháp y tế khác. Nội soi tai mũi họng, nội soi dạ dày - thực quản được sử dụng các trong trường hợp nghi đau họng do trào ngược, chụp X-quang phổi. Mục đích là để xác định nguyên nhân gây ra đau họng và có phác đồ điều trị phù hợp hơn.

4. Lời khuyên

Để phòng ngừa tình trạng này xảy ra, chúng ta có thể thực hiện một số biện pháp sau:

  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân kích thích niêm mạc họng. Bạn có thể tránh các tác nhân gây kích ứng như khói bụi, phấn hoa,... bằng cách đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, bạn nên hạn chế hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc lá, rượu bia, đồ uống có cồn.

  • Rửa tay và vệ sinh cá nhân thường xuyên để tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn hoặc virus.

  • Giữ ấm cơ thể, giữ ấm cổ họng, đặc biệt là trong mùa đông. Uống nước ấm thường xuyên.

  • Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch cho cơ thể.

Giữ ấm cơ thể
Giữ ấm cơ thể
  • Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch cho cơ thể.

Tóm lại, đau cổ họng là một triệu chứng rất phổ biến và thường gặp khi bị viêm nhiễm đường hô hấp trên. Hy vọng qua những thông tin mà Upharma cung cấp, bạn đã hiểu rõ hơn về nguyên nhân, các phương pháp điều trị và phòng ngừa đau cổ họng. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì cần tư vấn, Upharma chúng tôi luôn đồng hành cùng bạn!