Ứng dụng Nhà thuốc Upharma
Nhà thuốc Upharma

Mất sữa sau sinh: Nguyên nhân và cách khắc phục

Mất sữa sau sinh là một trong những vấn đề nghiêm trọng khiến cho nhiều mẹ bỉm phải lo lắng. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho nguồn sữa mẹ cung cấp cho con không đảm bảo, tác động đến vấn đề dinh dưỡng của trẻ. Vậy, mất sữa sau sinh là gì? Vì sao mẹ bị mất sữa sau sinh? Làm thế nào để khắc phục kịp thời, gọi sữa về sớm cho mẹ. Ngay trong bài viết dưới đây, dược sĩ Upharma sẽ cùng bạn giải đáp những thắc mắc này.

1. Mất sữa sau sinh là gì?

Mất sữa sau sinh là hiện tượng khi tuyến sữa ngừng sản xuất sữa mẹ, dù bé bú hoặc mẹ hút sữa nhưng sữa vẫn không tiết ra ngoài. 

Theo các chuyên gia y tế, mất sữa sau sinh có thể được phân loại thành hai dạng chính:

Mất sữa dần: Việc sản xuất sữa giảm dần trước khi ngừng hoàn toàn và tình trạng này thường kéo dài trên 1 tuần.

Mất sữa đột ngột: Tuyến sữa ngừng sản xuất sữa một cách đột ngột, thời gian mất sữa có thể kéo dài hoặc ngắn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể của người mẹ.

Mất sữa sau sinh là hiện tượng khi tuyến sữa ngừng sản xuất sữa mẹ

2. Các dấu hiệu mất sữa sau sinh

Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình của tình trạng mất sữa sau sinh:

  • Ngực không còn căng tức: Ngay sau khi sinh, ngực của mẹ bắt đầu từ từ mềm đi và không còn căng tức như ban đầu khi mới đẻ.

  • Sữa không chảy ra khi bé bú: Mặc dù bé bú nhiều nhưng mẹ không thấy sữa chảy ra ngoài.

  • Lượng sữa giảm dần: Trong thời gian sau sinh, mẹ có thể nhận thấy lượng sữa bắt đầu giảm dần và không còn đủ để đáp ứng nhu cầu ăn uống của bé.

  • Hút được lượng sữa rất ít: Khi dùng máy để hút sữa, mẹ chỉ thu được một lượng sữa rất ít.

  • Mẹ mệt mỏi, căng thẳng: Khi không thể cung cấp đủ sữa cho con bú sẽ khiến cho cơ thể của người mẹ trở nên mệt mỏi và căng thẳng.

Những dấu hiệu này thường là những tín hiệu sớm cho thấy rằng mẹ có thể đang bị mất sữa sau sinh. Việc tìm hiểu nguyên nhân để tìm ra phương án khắc phục sớm sẽ giúp mẹ gọi sữa trở lại, cung cấp đủ lượng sữa cho con bú.

Mặc dù bé bú nhiều nhưng mẹ không thấy sữa chảy ra ngoài

3. Nguyên nhân khiến mẹ bị mất sữa sau sinh

Để khắc phục được tình trạng mất sữa sau sinh thì trước hết mẹ cần phải tìm ra nguyên nhân vì sao mình gặp phải vấn đề này. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến mẹ bỉm bị mất sữa:

3.1. Ăn uống không khoa học và đầy đủ dinh dưỡng

Cơ thể mẹ có thể sản xuất sữa đều đặn và chất lượng nếu có chế độ dinh dưỡng tốt. Do đó, mẹ nên ăn uống đủ dinh dưỡng và tránh kiêng khem quá mức vì điều này có thể dẫn đến mất sữa đột ngột.

Ngoài ra, mẹ cũng có thể gặp phải mất sữa do tiêu thụ một số loại thực phẩm không tốt như bắp cải, lá lốt, măng chua,...

3.2. Stress, trầm cảm sau sinh

Stress và trầm cảm sau sinh có thể gây mất sữa do ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất hormone oxytocin và prolactin, hai hormone quan trọng trong quá trình sản xuất sữa mẹ. Stress khiến cho cơ thể sản xuất các hormone cortisol và adrenaline nhiều hơn, có thể làm giảm sản xuất sữa hoặc làm cho sữa ít đi. 

3.3. Các bệnh lý về tuyến vú và rối loạn nội tiết

Hoạt động của tuyến vú đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nguồn sữa giàu dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh. Một số bệnh lý liên quan đến tuyến vú có thể gây ra mất sữa đột ngột như tắc tia sữa, áp xe vú, viêm tuyến vú, nhiễm khuẩn núm vú và các biến chứng sau phẫu thuật ngực.

Để phòng ngừa tình trạng này, việc vệ sinh bầu ngực sạch sẽ trước và sau khi cho con bú là rất quan trọng, giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn và bảo vệ hoạt động của tuyến vú.

Ngoài ra, các bệnh rối loạn nội tiết, đặc biệt là những rối loạn liên quan đến hormone Prolactin và Oxytocin, cũng có thể gây ra sự cố trong sản xuất sữa, dẫn đến mất sữa đột ngột.

3.4. Trẻ bú sai tư thế hoặc vắt sữa sai kỹ thuật 

Việc vắt sữa hoặc cho con bú không đúng cách có thể dẫn đến mất sữa sau sinh. Điều này có thể do mẹ không kích thích bầu ngực đủ mức, không cho con bú hoặc vắt sữa không đúng kỹ thuật. Ngoài ra khi mẹ gặp các vấn đề về tuyến vú như tắc sữa, viêm tuyến vú,… cũng sẽ làm lượng sữa bị giảm. 

Để duy trì sản lượng sữa ổn định, việc vắt sữa và cho con bú cần được thực hiện đúng cách và với tần suất phù hợp để kích thích tuyến vú tiết ra sữa mẹ đều cho bé.

3.5. Bị đái tháo đường trong thai kỳ

Khi mang thai, người mẹ bị bệnh đái tháo đường thì lượng đường huyết cao, gây ảnh hưởng đến sự điều hòa hormone prolactin - hormone cần thiết cho sản xuất sữa. Đồng thời việc sử dụng thuốc để kiểm soát đường huyết có thể ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa của mẹ. Nếu không có chế độ dinh dưỡng cân bằng và kiểm soát không tốt, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng sữa sau sinh

Việc vắt sữa hoặc cho con bú không đúng cách có thể dẫn đến mất sữa sau sinh

4. Phải làm gì để gọi sữa về khi bị mất sữa sau sinh?

Khi gặp phải tình trạng mất sữa sau sinh, mẹ có thể tham khảo một số phương pháp sau để có thể gọi sữa về:

4.1. Cho con bú ngay sau khi sinh

Gọi sữa về bằng cách cho trẻ bú ngay sau khi sinh thường được gọi là kích sữa. Khi trẻ bú ngay sau khi sinh sẽ kích thích tuyến yên của mẹ sản xuất hormone oxytocin và prolactin. Oxytocin giúp tử cung co bóp và đẩy sữa từ các nang sữa ra ngoài, trong khi prolactin kích thích sản xuất sữa mới. Quá trình này giúp mẹ bắt đầu tiết sữa nhanh chóng và duy trì nguồn sữa cho con bú.

Sau khi bé bú no thì mẹ nên dùng máy hút sữa để hút hết lượng sữa vẫn còn trong bầu ngực.

4.2. Massage, chườm ấm bầu ngực

Massage ngực giúp tăng cường chất béo và tổng lượng sữa. Khi trẻ bú thoải mái, mẹ có thể massage quanh ngực, hướng về núm vú, chờ trẻ nuốt vài ngụm rồi tiếp tục xoa bóp khu vực khác. Mẹ thực hiện lặp lại các động tác này giúp sữa tiết ra nhiều và đều hơn. 

4.3. Cho bé bú hoặc vắt sữa đúng cách    

Mẹ cần cho bé bú đúng tư thế và hướng dẫn bé ngậm ti đúng cách khi bú. Khi trẻ ngậm đúng khớp ti hoặc mẹ dùng máy hút sữa đủ lực, đúng tần suất thì cơ thể mẹ mới phản ứng tiết sữa hiệu quả và tránh làm tổn thương núm vú của mẹ.

4.4. Uống nhiều nước 

90% thành phần của sữa là nước nên theo lời khuyên của các chuyên gia thì phụ nữ cho con bú nên uống khoảng 3 lít nước ấm mỗi ngày. Điều này sẽ giúp mẹ bỉm duy trì lượng sữa cho con bú.

Ngoài việc uống nhiều nước thì mẹ sau sinh cũng cần nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, mệt mỏi để sữa xuống nhiều hơn. Mẹ có thể chia sẻ với chồng và gia đình để được hỗ trợ, động viên và giúp chăm sóc bé, giúp mẹ có thêm thời gian ngủ và nghỉ ngơi.

4.5. Có chế độ ăn uống khoa học

Bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng là cách hiệu quả để gọi sữa về khi bị mất sữa. Mẹ nên ăn đa dạng, không kiêng khem quá mức để tránh thiếu hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng đến việc tạo sữa. Đồng thời mẹ cũng nên tìm hiểu các thực phẩm lợi sữa và tránh các thực phẩm gây mất sữa hoặc ảnh hưởng đến mùi vị sữa mẹ khiến bé bỏ bú.

Cho bé bú hoặc vắt sữa đúng cách để cải thiện tình trạng mất sữa sau sinh

Việc khắc phục tình trạng mất sữa sau sinh là một yếu tố quan trọng để duy trì dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh trong những năm tháng đầu đời. Mong rằng với những chia sẻ của dược sĩ Upharma sẽ giúp bạn hiểu rõ về nguyên nhân và tìm được biện pháp để khắc phục được tình trạng mất sữa sau sinh hiệu quả. Nếu muốn được theo dõi nhiều thông tin hơn về bệnh học và các vấn đề về sức khỏe của chúng tôi, bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây để cập nhật những thông tin mới nhất nhé.