Ứng dụng Nhà thuốc Upharma
Nhà thuốc Upharma

Nhiễm H.pylori: những điều cần biết, cách điều trị và phòng tránh

Các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa là một trong những bệnh lý phổ biến nhất hiện nay trong đó nhiễm H.pylori chiếm tỷ lệ hàng đầu. Theo thống kê, có đến 70% người dân Việt Nam nhiễm H.pylori với các triệu chứng không rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn. H.pylori là một vi khuẩn phổ biến gây bệnh cho đường tiêu hóa như: viêm dạ dày, loét dạ dày,... H.pylori còn là tác nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư biểu mô tuyến dạ dày và u lympho ở dạ dày. Hãy cùng Upharma tìm hiểu rõ hơn về vi khuẩn H.pylori nhé!

1. Vi khuẩn H.pylori là gì?

1. Vi khuẩn H.pylori là gì?

H.pylori (Helicobacter pylori) là một vi khuẩn gram âm có hình xoắn ốc, có khả năng thích nghi cao trong môi trường acid nhờ việc tiết ra enzym trung hòa acid nên chủng vi khuẩn này có thể sinh sống và phát triển thuận lợi trong dạ dày. 

H.pylori khu trú tại lớp nhầy ngay sát biểu mô niêm mạc dạ dày.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, có đến 80% những người nhiễm H.pylori không bị ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt. Ở điều kiện thường, H.pylori không gây nhiều ảnh hưởng cho người bệnh nhưng ở những người có tình trạng sức khỏe đường tiêu hóa không ổn định, hay mắc các bệnh lý như viêm - loét dạ dày sẽ tạo cơ hội cho H.pylori sinh sôi dẫn đến tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Vi khuẩn H.Pylori là gì?

2. Các đường lây truyền H.pylori?

2. Các đường lây truyền H.pylori?

H.pylori có khả năng lây truyền từ người sang người thông qua các con đường sau:

  • Đường tiêu hóa trên: đây là con đường lây truyền chủ yếu của H.pylori, người bị lây nhiễm tiếp xúc với nước bọt hoặc dịch tiết đường tiêu hóa của người bệnh thông qua việc sử dụng chung bàn chải, dụng cụ ăn uống,...
  • Đào thải qua phân: H.pylori được đào thải ra khỏi cơ thể người bệnh qua phân, một lượng lớn H.pylori vẫn ở dạng còn hoạt động và vẫn có nguy cơ gây hại cho người bị lây nhiễm dù ra khỏi cơ thể người trong một khoảng thời gian. Không rửa tay sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi tiếp xúc với chất thải đường tiêu hóa của người bệnh làm tăng khả năng lây nhiễm của H.pylori.
  • Các con đường lây nhiễm khác: H.pylori có thể lây truyền thông qua việc sử dụng chung các dụng cụ y tế chưa được tiệt trùng đúng cách như: thiết bị nội soi đường tiêu hóa, dụng cụ dùng trong nha khoa, thiết bị nội soi tai mũi họng,...

3. Triệu chứng có thể có khi nhiễm H.pylori

3. Triệu chứng có thể có khi nhiễm H.pylori

Giai đoạn đầu, H.pylori không gây ra các triệu chứng khó chịu nào trên đường tiêu hóa cũng như cho sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên khi đã khu trú đủ lâu tại niêm mạc dạ dày, H.pylori tấn công làm tổn hại lớp niêm mạc này gây ra tình trạng viêm-loét, chảy máu hay nhiễm trùng đường tiêu hóa. Các triệu chứng có thể xảy ra với người bệnh nhiễm H.pylori như: 

  • Cảm giác nóng rát vùng thượng vị đặc biệt khi bụng đói hoặc sau khi ăn quá nó
  • Chướng bụng, đầy hơi
  • Nôn, buồn nôn
  • Đi ngoài phân đen
  • Đau quặn từng cơn có thể đi kèm với cảm giác nóng rát vùng thượng vị

Triệu chứng khi nhiễm H.Pylori.

4. Những đối tượng dễ nhiễm H.pylori?

4. Những đối tượng dễ nhiễm H.pylori?

Mọi đối tượng đều có thể nhiễm H.pylori từ người già đến trẻ nhỏ, không phân biệt giới tính tuy nhiên khả năng nhiễm H.pylori ở mỗi người là khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố như:

  • Môi trường sống không đảm bảo vệ sinh
  • Môi trường ô nhiễm
  • Sinh hoạt cùng với người có tiền sử hoặc được chẩn đoán nhiễm H.pylori
  • Các quốc gia có điều kiện kinh tế phát triển chậm cho thấy tỷ lệ nhiễm H.pylori cao hơn so với các quốc gia phát triển

5. Chẩn đoán nhiễm H.pylori

5. Chẩn đoán nhiễm H.pylori

Người nhiễm H.pylori ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng hoặc biểu hiện triệu chứng không rõ ràng gây nhầm lẫn trong điều trị, để điều trị dứt điểm H.pylori bạn nên thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán tại các cơ sở y tế, các kỹ thuật này bao gồm:

  • Nội soi dạ dày - tá tràng
  • Lấy mẫu mô sinh thiết
  • Test hơi thở
  • Tìm H.pylori trong phân
  • Tìm kháng thể H.pylori trong máu

Tùy vào triệu chứng, mức độ và điều kiện kinh tế của người bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp chẩn đoán thích hợp.

6. Điều trị nhiễm H.pylori

6. Điều trị nhiễm H.pylori

Hiện nay việc điều trị H.pylori tập trung vào các mục tiêu:

  • Loại bỏ H.pylori gây bệnh,
  • Bảo vệ niêm mạc dạ dày và ngăn tình trạng tổn thương niêm mạc tái phát
  • Giảm nguy cơ phát triển ung thư tại những bệnh nhân nhiễm H.pylori

Phác đồ điều trị H.pylori hiện nay bao gồm các nhóm thuốc:

  • Kháng sinh: các kháng sinh thường được sử dụng trong điều trị H.pylori là Amoxicillin, Metronidazole, Tetracycline, Tinidazole, Clarithromycin, Azithromycin,... có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn
  • Nhóm PPI hay còn gọi là nhóm ức chế bơm proton: gồm Omeprazol, Esomeprazol, Pantoprazol,... giảm sản xuất acid trong dạ dày
  • Nhóm bao phủ và bảo vệ vết loét: bismuth

Khi sử dụng những nhóm thuốc này cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh các tác dụng không mong muốn của thuốc.

7. Dự phòng tái nhiễm H.pylori

7. Dự phòng tái nhiễm H.pylori

Mỗi người cần có ý thức bảo vệ mình khỏi sự lây nhiễm và tái nhiễm sau điều trị H.pylori bằng cách thay đổi thói quen trong sinh hoạt và cải thiện môi trường sống:

  • Giảm căng thẳng, mệt mỏi
  • Hạn chế hoặc không sử dụng rượu bia, thuốc lá, các đồ uống có cồn, các chất kích thích
  • Có chế độ luyện tập thể dục thể thao hợp lý
  • Bổ sung nhiều rau củ, hoa quả trong chế độ ăn
  • Hạn chế ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ, chiên rán, thức ăn cay nóng
  • Thường xuyên tiệt trùng dụng cụ ăn uống, sinh hoạt
  • Định kỳ vệ sinh môi trường sống
  • Đảm bảo ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya