Uể oải với chứng tiêu chảy cấp mùa nắng nóng
Tiêu chảy cấp là một bệnh lý dẫn đến nhiều triệu chứng khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Vì vậy, tình trạng tiêu chảy cấp cần khắc phục sớm tránh những biến chứng nguy hiểm. Cùng Dược sĩ Upharma tìm hiểu chi tiết những dấu hiệu của bệnh và cách điều trị hiệu quả trong bài viết dưới đây.
1. Triệu chứng tiêu chảy cấp mùa nắng nóng
Tiêu chảy cấp là bệnh lý khá nguy hiểm gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. Bệnh lý thường gặp nhiều nhất trong mùa nắng nóng, dẫn đến nhiều triệu chứng khó chịu. Cụ thể những dấu hiệu tiêu chảy bao gồm:
-
Bệnh nhân đi ngoài liên tục nhiều lần trong ngày, phân lỏng và có nước, xảy ra trên 3 lần mỗi ngày.
-
Bệnh nhân sẽ cảm thấy bị đầy bụng, sôi bụng và có cảm giác không thoải mái ở vùng bụng.

-
Người bệnh tiêu chảy có thể gặp tình trạng nôn mửa có thể kèm theo dịch trong hoặc màu vàng nhạt.
-
Cơ thể mệt mỏi, cảm giác suy nhược, chân tay rã rời.
-
Cơ bắp bị co thắt không tự chủ, chuột rút thường xuyên.
-
Người bệnh sẽ cảm thấy chán ăn, mệt mỏi và tiêu chảy lâu ngày có thể gây sút cân nghiêm trọng.
2. Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy cấp mùa nắng nóng
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu chảy trong mùa nắng nóng. Một số nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy bao gồm:
2.1. Ngộ độc thực phẩm
Thời tiết nắng nóng khiến thực phẩm dễ bị hỏng và nhiễm khuẩn. Việc ăn phải thực phẩm không được bảo quản tốt hoặc đã bị ôi thiu có thể dẫn đến tiêu chảy cấp.
Để tránh tình trạng bị ngộ độc, bạn nên giữ thói quen ăn chín uống sôi và bảo quản thực phẩm đúng cách. Ngoài ra, với những người có hệ tiêu hoá yếu nên hạn chế ăn các thực phẩm đóng hộp, quán vỉa hè. Những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh có thể làm gia tăng tình trạng ngộ độc thực phẩm.
2.2. Virus, vi khuẩn
Các loại vi khuẩn như tả, lỵ, E.coli và virus như rota có thể phát triển mạnh trong điều kiện nắng nóng và gây tiêu chảy cấp. Vì vậy, vào mùa hè số người mắc bệnh tiêu chảy sẽ tăng cao so với các thời điểm khác trong năm.

2.3. Vệ sinh kém
Môi trường sinh hoạt kém vệ sinh có thể dẫn đến tình trạng tiêu chảy cấp. Việc thiếu tiếp cận với nước sạch và tiêu thụ thực phẩm vệ sinh kém cũng là nguyên nhân chính của các trường hợp tiêu chảy.
Bạn nên chú ý rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để đảm bảo an toàn sức khỏe. Ngoài ra, môi trường sống hàng ngày của bạn cần được vệ sinh sạch sẽ. Điều này giúp tránh tạo môi trường cho vi khuẩn gây bệnh về đường tiêu hoá trú ngụ.
2.4. Cơ thể không hấp thụ được đường
Tình trạng không dung nạp lactose là khi cơ thể không sản xuất đủ enzyme lactase để tiêu hóa lactose trong sữa. Lactose không tiêu hóa di chuyển vào đại tràng và gây ra các triệu chứng không dung nạp. Điều này dẫn đến tình trạng tiêu chảy, đặc biệt dễ gặp nhất là ở đối tượng trẻ em.
3. Đối tượng nào dễ bị tiêu chảy cấp vào mùa hè
Các đối tượng dễ bị tiêu chảy cấp vào mùa hè phải kể đến như:
-
Trẻ em dưới 5 tuổi: Đây là nhóm có nguy cơ cao do trẻ có hệ miễn dịch còn non nớt và chưa có ý thức trong việc vệ sinh cá nhân.

-
Người cao tuổi trên 60 tuổi: Người cao tuổi thường có sức đề kháng yếu và khả năng hấp thu thức ăn kém. Nên nhóm đối tượng này dễ gặp phải tình trạng bị tiêu chảy hơn.
-
Người có cơ địa yếu và sức đề kháng kém: Những người này dễ bị nhiễm trùng và gặp các vấn đề tiêu hóa.
-
Người đi du lịch ở những nơi chậm phát triển: Họ có thể phải đối mặt với vệ sinh môi trường kém và thực phẩm bị nhiễm khuẩn.
-
Những người sống ở khu vực vệ sinh kém: Điều kiện sống không đảm bảo vệ sinh có thể làm tăng nguy cơ tiêu chảy do nhiễm khuẩn.
Khi nhận thấy các dấu hiệu nhận biết trẻ bị tiêu chảy cấp bạn nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
4. Cách điều trị tiêu chảy cấp mùa nắng nóng
Để điều trị bệnh lý tiêu chảy cấp, tùy theo tình trạng bệnh mà sẽ có cách xử lý phù hợp. Nếu tiêu chảy kéo dài kèm triệu chứng khó chịu, bạn nên dùng thuốc đặc trị để có hiệu quả nhanh nhất.
4.1. Dùng các phương pháp dân gian
Các bài thuốc dân gian trị tiêu chảy thường sử dụng nguyên liệu tự nhiên, dễ tìm và có thể thực hiện tại nhà. Dưới đây là một số bài thuốc phổ biến bạn có thể tham khảo:
-
Hồng xiêm xanh
Hồng xiêm xanh, hay còn gọi là quả sapoche, có chứa hàm lượng tanin cao, đây là hoạt chất giúp chữa tiêu chảy hiệu quả.
Cách thực hiện: Cắt hồng xiêm thành lát mỏng, phơi khô, sao vàng. Mỗi lần dùng khoảng 10 lát, sắc với nước, uống ngày 2 lần.
-
Nước lá ổi
Lá ổi được biết đến với khả năng trị tiêu chảy hiệu quả nhờ vào các hoạt chất có trong lá như tanin, flavonoid, triterpene và lectin.

Cách thực hiện: Nấu lá ổi đã rửa sạch với nước khoảng 30 phút, thêm chút muối, lọc bỏ bã và uống.
-
Gạo rang
Gạo rang có tác dụng trị tiêu chảy cấp do nó chứa ít chất xơ giúp hạn chế thúc đẩy nhu động ruột. Thành phần gạo rang có khả năng hấp thụ độc tố và vi khuẩn có hại trong đường ruột, giúp làm sạch đường ruột
Cách thực hiện: Nguyên liệu bao gồm gạo sao vàng, lá ngải cứu khô, đường đỏ. Cho tất cả vào ấm đun với nước, sôi mấy phút rồi để nguội uống hết một lần.
-
Lá mơ
Lá mơ được sử dụng trong y học cổ truyền để trị tiêu chảy do có chứa các hợp chất như tanin, polyphenol, và vitamin C. Các hợp chất này có khả năng tiêu viêm và sát khuẩn, giúp cải thiện các triệu chứng của tiêu chảy.
Cách thực hiện: Rã lá mơ nhỏ, trộn với trứng gà và muối, trở đều hai mặt cho chín đều, ăn ngày 2 lần.
4.2. Dùng thuốc điều trị tiêu chảy cấp
Sử dụng thuốc sẽ làm giảm nhanh chóng các triệu chứng của bệnh tiêu chảy cấp. Tuy nhiên việc dùng thuốc cần phải tuân thủ đúng liều lượng và chỉ định của bác sĩ hay dược sĩ. Tránh việc để bệnh nhân tự ý dùng thuốc. Các loại thuốc có thể được sử dụng cho bệnh nhân bị tiêu chảy cấp bao gồm:
-
Thuốc kháng sinh: Loại thuốc này thường dùng trong trường hợp tiêu chảy do vi khuẩn, vi rút hoặc ký sinh trùng.
-
Thuốc giảm nhu động ruột: Nhóm thuốc giảm nhu động ruột phải kể đến như loperamid, diphenoxylate, atropine...
-
Thuốc hấp phụ: Các loại thuốc này có tác dụng hỗ trợ giảm các triệu chứng tiêu chảy và làm dịu dạ dày.
-
Bismuth subsalicylate: Thuốc có tác dụng làm dịu niêm mạc và giảm tiêu chảy
Bài viết trên là những thông tin về các dấu hiệu tiêu chảy cấp và cách điều trị hiệu quả. Hy vọng những kiến thức do Dược sĩ Upharma chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh này. Đồng thời, mong rằng sau bài viết này bạn sẽ có cách phòng tránh và bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình trong mùa nắng nóng.