Ứng dụng Nhà thuốc Upharma
Nhà thuốc Upharma

Viêm phổi có nguy hiểm không? Làm thế nào để nhận ra bệnh?

Viêm phổi có nguy hiểm không?” chắc hẳn là thắc mắc của nhiều bạn đọc. Viêm phổi là một bệnh về đường hô hấp khá nguy hiểm. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh và giảm thiểu mức độ nguy hiểm bằng cách nhận biết sớm bệnh. Đồng thời, chúng ta cũng cần thực hiện các phương pháp điều trị viêm phổi kịp thời để ngăn chặn các biến chứng nặng của bệnh.

1. Viêm phổi là gì? Viêm phổi có nguy hiểm không?

Viêm phổi là một bệnh đường hô hấp khá thường gặp. Bệnh là tình trạng viêm nhiễm các phế nang và nhu mô trong phổi. Khi bị viêm, mủ và dịch lỏng sẽ xuất hiện đầy trong các phế nang, đường dẫn khí khiến người bệnh cảm thấy khó chịu. Do phế nang chứa nhiều dịch, nên bệnh nhân cảm thấy hít thở khó khăn, đôi khi còn thấy đau đớn, và dung lượng oxy hít vào cũng vì thế mà suy giảm.

Viêm phổi là tình trạng viêm nhiễm các phế nang và nhu mô trong phổi

Để trả lời cho câu hỏi viêm phổi có nguy hiểm không, chúng ta phải hiểu kĩ về bệnh.Viêm phổi là một bệnh khá nguy hiểm, đặc biệt nếu bệnh gặp phải ở đối tượng trẻ nhỏ, người cao tuổi, hoặc người suy giảm hệ miễn dịch. Tuy nhiên chúng ta có thể giảm tối thiểu mức độ nguy hiểm của bệnh bằng cách chủ động phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Nếu bệnh đã chuyển biến nặng, xuất hiện biến chứng thì chúng ta sẽ khó khăn trong phương pháp điều trị, thậm chí còn có khả năng nguy hiểm đến tính mạng. Còn nếu được phát hiện và điều trị thì bệnh có thể khỏi dứt điểm.

2. Phân loại viêm phổi

Chúng ta có thể phân loại bệnh viêm phổi theo nhiều cách khác nhau. Sau đây là 2 cách phân loại chính:

  • Dựa vào nguyên nhân gây bệnh: Viêm phổi được chia thành 4 loại

  • Viêm phổi do virus

  • Viêm phổi do vi khuẩn

Nhiễm khuẩn là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm phổi
  • Viêm phổi do nấm

  • Viêm phổi do hóa chất

  • Dựa vào nguồn lây:

  • Viêm phổi mắc phải cộng đồng

  • Viêm phổi bệnh viện

Tùy thuộc vào mục đích, mà ta sẽ phân loại bệnh viêm phổi theo nguồn lây hay nguyên nhân. Ví dụ muốn có cách điều trị chính xác, nhanh và hiệu quả, chúng ta sẽ phân loại theo nguyên nhân gây bệnh. 

3. Triệu chứng viêm phổi

Như đã nói ở trên, viêm phổi là một bệnh nguy hiểm. Vì vậy, Upharma sẽ giới thiệu cho bạn một số dấu hiệu viêm phổi dễ nhận biết và hay gặp nhất để phát hiện bệnh kịp thời.

Nếu bệnh nhân đang ở giai đoạn nhẹ, triệu chứng viêm phổi thường không đặc hiệu. Biểu hiện sẽ khá giống như biểu hiện của các bệnh như cảm lạnh, cảm cúm nhưng triệu chứng bệnh sẽ thường kéo dài hơn.

Triệu chứng viêm phổi có thể gồm:

  • Ho khan, ho có đờm

  • Bệnh nhân có thể cảm thấy đau ngực khi ho (Do phổi chứa nhiều dịch mủ)

Đau ngực khi ho là triệu chứng nhận biết viêm phổi với các bệnh viêm đường hô hấp thông thường
  • Khó thở, hạn chế hít khí vào cơ thể

  • Đau ngực

  • Có thể có sốt, hoặc ớn lạnh

  • Mệt mỏi, đau nhức toàn thân, suy nhược cơ thể

Với đối tượng là trẻ nhỏ, ngoài các triệu chứng như kể trên, trẻ sẽ có thêm một số dấu hiệu như sau:

  • Sốt cao, co giật

  • Trẻ bỏ bú, bỏ ăn

  • Tím tái, li bì, rút lõm lồng ngực

  • Quấy khóc

Trẻ nhỏ là đối tượng có hệ miễn dịch nhạy cảm. Do đó, khi thấy trẻ sốt, bỏ bú, khó thở, nôn mửa, cha mẹ hãy đưa trẻ đi khám để phát hiện kịp thời.

4. Biến chứng khó lường của viêm phổi

Bệnh viêm phổi nếu ở thể nặng không chỉ gây tổn thương nhu mô phổi mà còn ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan khác của cơ thể. Lúc này bệnh sẽ có khả năng gây ra biến chứng đe dọa nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Sau đây là một số biến chứng.

4.1. Biến chứng với hệ hô hấp

Biến chứng ở hệ hô hấp là biến chứng đầu tiên: 

  • Áp xe phổi: Phổi bị viêm nhiễm kéo dài, dẫn đến có lượng mủ lớn bị tích tụ, tồn đọng trong khoang phổi. Tình trạng như vậy gọi là áp xe phổi.

  • Tràn dịch màng phổi: là tình trạng dịch ở màng phổi hình thành trong khoang màng phổi. Phần dịch này sẽ bị nhiễm trùng dẫn đến phù nề phổi.

Tràn dịch màng phổi là một biến chứng về hô hấp nguy hiểm
  • Suy hô hấp: Do phổi bị tổn thương, dung lượng phổi giảM. Lượng Oxy cần thiết cung cấp cho cơ thể không đủ, và giảm khả năng loại bỏ CO2 ra khỏi cơ thể. Khi đó, tình trạng suy hô hấp có thể xảy ra. Lúc này triệu chứng của suy hô hấp gồm khó thở, thở dốc, lú lẫn,...

4.2. Biến chứng với hệ tuần hoàn

  • Nhiễm trùng huyết: Đây là biến chứng nặng của bệnh viêm phổi, có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Do biến chứng này gây tổn thương mô, suy lục phủ ngũ tạng, có thể dẫn đến sốc do nhiễm trùng. Dấu hiệu của sốc nhiễm trùng là sốt cao, thở nhanh, ớn lạnh, tụt huyết áp, nhịp tim tăng nhanh, lú lẫn,....Khi thấy dấu hiệu kể trên, bệnh nhân cần nhập viện ngay để cấp cứu kịp thời.

  • Suy tim: Viêm phổi ở tình trạng nặng sẽ khiến suy giảm lượng oxy mà phổi có thể cung cấp cho cơ thể. Khi lượng oxy cần thiết cung cấp cho cơ thể giảm, thì những cơ quan trọng yếu đầu tiên sẽ bị ảnh hưởng là tim, gan, thận. Tim bị tổn thương và dẫn đến suy tim.

4.3. Biến chứng đối với hệ bài tiết

  • Suy thận:

  • Suy thận là biến chứng ít gặp hơn của viêm phổi.

  • Khi gặp biến chứng khác như suy tim, nhiễm trùng máu, lúc này tim bị tổn thương, do đó bơm không đủ lượng máu đến thận. Vì vậy sẽ dẫn đến biến chứng suy thận.

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Biến chứng này xảy ra là do vi khuẩn gây viêm phổi, nhiễm trùng phổi di chuyển, lây lan sang các hệ cơ quan khác, trong đó có đường tiết niệu.

5. Đối tượng có nguy cơ cao gặp biến chứng

Một số đối tượng người bệnh, mặc dù được điều trị, nhưng vẫn có khả năng gặp các biến chứng của bệnh viêm phổi. Những người này là những người thuộc nhóm nguy cơ cao, gồm:

  • Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh.

  • Người cao tuổi.

  • Người có hệ miễn dịch kém như: người nhiễm HIV/AIDS, người mắc một số bệnh nền như đái tháo đường, huyết áp, bệnh về đường hô hấp.

6. Phương pháp điều trị bệnh viêm phổi

Viêm phổi có nguy hiểm không? Như đã trả lời ở trên, viêm phổi là bệnh nguy hiểm. Nhưng chúng ta có thể ngăn chặn các biến chứng của bệnh bằng cách phát hiện sớm và can thiệp điều trị ngay khi phát hiện.

6.1. Điều trị triệu chứng

  • Khi bệnh còn ở thể nhẹ, tùy theo triệu chứng mà bệnh nhân có, người bệnh sẽ được chỉ định các loại thuốc để điều trị triệu chứng. 

  • Khi sốt cao trên 38.5 độ C, bệnh nhân nên uống thuốc hạ sốt/ thuốc giảm đau như Paracetamol

  • Nếu ho có đờm, uống nhiều nước nhằm làm loãng đờm, hoặc nếu trường hợp nhiều đờm có thể sử dụng thêm thuốc long đờm.

  • Một số loại thuốc được chỉ định như: thuốc hạ sốt/thuốc giảm đau (Paracetamol), thuốc ho, thuốc long đờm, thuốc giãn phế quản dạng hít/ dạng uống,… 

6.2. Điều trị nguyên nhân

  • Với nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn: Bác sĩ sẽ cho test kháng sinh đồ trên bệnh nhân. Sau đó dựa vào kháng sinh đồ, bác sĩ sẽ chọn loại kháng sinh phù hợp cho bệnh nhân.

Những trường hợp nhiễm khuẩn phải dùng đến kháng sinh 
  • Với nguyên nhân gây bệnh là do virus: Với trường hợp này, kháng sinh không được chỉ định vì không có hiệu quả. Lúc này chỉ có phương pháp là điều trị triệu chứng và tăng sức đề kháng.

  • Với nguyên nhân gây bệnh là nấm: Bệnh nhân sẽ được chỉ định các loại thuốc chống nấm thích hợp với tác nhân nấm

6.3. Một số lưu ý

  • Đặc biệt chú ý với trường hợp trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi có các dấu hiệu của bệnh viêm phổi, cha mẹ cần đưa bé nhập viện ngay.

  • Đối tượng trẻ nhỏ từ 2-5 tuổi có biểu hiện bỏ ăn, sốt cao co giật, ngủ li bì, thở rít cũng phải đưa ngay vào viện để điều trị.

Upharma đã giúp bạn trả lời câu hỏi “Viêm phổi có nguy hiểm không?” Bạn đọc nên nhớ những triệu chứng của viêm phổi để phát hiện sớm bệnh, tránh gặp biến chứng nguy hiểm. Hãy chú ý theo dõi các bài viết khác của Upharma để cập nhật kiến thức hữu ích về sức khỏe nhé!