Đừng chủ quan với chứng đau quặn bụng từng cơn

Đau quặn bụng từng cơn là tình trạng diễn ra rất phổ biến, từ trẻ sơ sinh đến người lớn tuổi đều có thể gặp phải. Nhiều người cho rằng triệu chứng này bắt nguồn từ việc sinh hoạt không điều độ. Tuy nhiên, nó cũng có thể là biểu hiện của đau dạ dày, viêm ruột thừa, bệnh gan mật,... Người bệnh chủ quan, không thăm khám và chữa trị kịp thời rất dễ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe.

1. Đau quặn bụng là gì? Dấu hiệu của đau quặn bụng

Đau bụng quặn từng cơn là thuật ngữ chung dùng để chỉ cảm giác đau đứt quãng ở vùng bụng. Nguyên nhân có thể do cơ quan nội tạng ở khu vực đó đang co thắt lại. Tùy vào từng cơn co mà người bệnh cảm thấy mức độ đau sẽ khác nhau với biểu hiện như sau:

  • Cơn đau tập trung ở 1 điểm nhất định trên vùng bụng.

  • Tần suất cơn đau xuất hiện không cố định. Nếu nhanh, người bệnh chỉ đau khoảng 30 giây nhưng có lúc cơn đau sẽ kéo dài tới vài phút.

  • Tùy vào cơ quan trong ổ bụng mà vị trí đau sẽ khác nhau. Có thể bệnh nhân đau bụng trên, bên phải,…

Người bệnh đau quặn bụng thường xuất hiện thêm các triệu chứng khác như:

  • Buồn nôn, nôn.

  • Sốt.

  • Đầy hơi, chướng bụng.

  • Khó thở, mệt mỏi, chóng mặt.

  • Tiểu và đại tiện diễn ra bất thường.

  • Nữ giới chảy máu kinh nhiều, tiết nhiều dịch ở vùng âm đạo.

  • Mùi và màu phân khác thường

đau quặn bụng
Dấu hiệu của đau quặn bụng

2. Đau quặn bụng từng cơn cảnh báo bệnh lý gì?

Khi bạn thấy biểu hiện đau bụng quặn từng cơn kéo dài, chứng tỏ cơ quan nào đó trong ổ bụng đang gặp vấn đề. Tuyệt đối mọi người không được chủ quan khi gặp tình trạng này. Bởi triệu chứng này có thể cảnh báo một số bệnh lý như sau:

2.1. Nhiễm giun

Giun trong bụng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra cơn đau quặn bụng. Khi giun chui ống mật sẽ khiến người bệnh đau bụng dữ dội ở vùng trên, đổ nhiều mồ hôi.

2.2. Rối loạn hệ vi khuẩn, tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa khiến cho cơ quan ở hệ này co thắt bất thường, gây ra tình trạng đau bụng từng cơn và đại tiện thay đổi. Bên cạnh đó, người bệnh thường xuyên bị chướng bụng, đầy hơi, cảm thấy buồn nôn.

2.3. Hội chứng ruột kích thích

Đau quặn thắt ở bụng là một trong những biểu hiện của bệnh hội chứng ruột kích thích. Nếu mắc bệnh này, người bệnh đôi khi sẽ sờ thấy phía bên phải của bụng có cục cứng. Triệu chứng kèm theo của bệnh còn là tiêu chảy, táo bón, đi đại tiện ra máu. 

2.4. Bệnh về gan mật

Người có bệnh lý về gan mật như túi mật, áp xe gan, ống mật,… cũng hay bị đau quặn bụng. Không chỉ thế, cơ quan tụy gặp trục trặc, viêm ruột thừa, cơ hoành co thắt cũng xuất hiện tình trạng này.

2.5. Đau dạ dày

Nóng rát ở vùng xung quanh rốn, đau quặn bụng từng cơn cũng là dấu hiệu cảnh báo bệnh đau dạ dày. Ngoài ra, bệnh nhân bị bệnh còn có biểu hiện ợ hơi, buồn nôn, ợ chua,… nhiều lần.

2.6. Bệnh phụ khoa

Chị em thường xuyên đau bụng quặn từng cơn liên tục và dữ dội thì khả năng mắc một trong các bệnh phụ khoa sau rất cao. Chẳng hạn như:

  • Lạc nội mạc tử cung.

  • U xơ tử cung.

  • Viêm vùng chậu.

  • Ung thư buồng trứng.

  • U nang buồng trứng.

2.7. Liệt ruột

Người bệnh bị liệt ruột thường do vừa mới phẫu thuật, nhiễm trùng, lười vận động, dùng ma túy,… Tình trạng này khiến ruột bị giãn ra, gây đau bụng từng cơn cho bệnh nhân. 

đau quặn ruột
Tình trạng liệt ruột khiến ruột bị giãn ra, gây đau bụng từng cơn cho bệnh nhân

3. Đau bụng quặn từng cơn quanh rốn và nguy cơ tiềm ẩn

Khác với những vị trí khác, cơn đau bụng quặn quanh rốn thường khiến cho người bệnh cảm thấy đau dữ dội. Nhiều trường hợp, người bệnh đau không chịu được, đứng ngồi không yên, sức khỏe suy giảm, mệt mỏi.

Tùy vào từng vị trí mà cơn đau ở quanh rốn sẽ biểu hiện vấn đề nào đó. Cụ thể là:

  • Đau ở giữa bụng: Người bệnh có thêm triệu chứng đau thượng vị, ợ, buồn nôn, ăn không tiêu,… thường bị bệnh viêm loét dạ dày, hành tá tràng,…

  • Đau ở xung quanh rốn: Bệnh nhân đau ở xung quanh rốn rồi lan ra vùng bụng dưới bên phải, bị sốt, buồn nôn,… dễ bị đau ruột thừa.

  • Đau quặn ở dưới rốn: Khi đau dưới rốn kèm theo bị chuột rút, phân khác thường,… người bệnh có nguy cơ bị viêm ruột, rối loạn tiêu hóa.

  • Đau ở trên rốn: Người bệnh ăn no hoặc để đói xuất hiện cơn đau trên rốn, tức bụng có thể đang bị đau dạ dày.

Đau bụng quặn từng cơn ở xung quanh rốn kéo dài, xảy ra liên tục, người bệnh cần đi khám ngay. Nó có thể là biểu hiện cảnh báo bệnh lý nào đó, cần được chữa trị kịp thời.

4. Hướng dẫn phòng ngừa đau bụng quặn từng cơn

Hầu hết ai cũng từng gặp cơn đau bụng quặn từng cơn và có thể tái diễn nhiều lần. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa tình trạng đó, hạn chế các biến chứng hiệu quả bằng phương pháp sau:

  • Tập thể dục thường xuyên mỗi ngày giúp nâng cao được sức khỏe, thể chất.

  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung các chất cần thiết. Đồng thời, bạn cần hạn chế dùng các đồ ăn uống không lành mạnh như đồ có cồn, cafein, đồ cay nóng,...

  • Tạo cho bản thân và gia đình thói quen sinh hoạt lành mạnh, giữ tinh thần thoải mái, ngủ sớm, nghỉ ngơi hợp lý.  

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm để tầm soát bệnh, điều trị kịp thời khi phát hiện ra bệnh.

  • Khi thấy có biểu hiện khác lạ, mọi người cần đến bệnh viện thăm khám, điều trị theo hướng dẫn từ phía bác sĩ.

đau quặn bụng
Tập thể dục thường xuyên mỗi ngày giúp nâng cao được sức khỏe, thể chất.

Như vậy, đau quặn bụng từng cơn không đơn giản là cơn đau thoáng qua, một lúc sẽ khỏi như mọi người vẫn hay nghĩ. Rất có thể, nó là biểu hiện bệnh lý nào đó. Tốt nhất, bạn nên đi khám ngay khi thấy tình trạng này giúp hiểu hơn về cơ thể của mình, điều trị bệnh kịp thời. Nếu còn thắc mắc, mọi người vui lòng liên hệ tới dược sĩ Upharma để được tư vấn, giải đáp nhanh chóng.