Corticoid là thuốc gì? Tác dụng và Tác hại
Corticoid là một nhóm thuốc được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau nhờ vào tác dụng chống dị ứng, ức chế hệ miễn dịch và chống viêm. Với thành phần chính là cortisol, thuốc thường có tác dụng làm giảm nhanh các triệu chứng cho người bệnh. Tuy nhiên, đây cũng chính là lý do khiến cho việc sử dụng Corticoid sai chỉ định ngày càng nhiều, gây nên các biến chứng nguy hiểm. Trong bài viết dưới đây, dược sĩ Upharma sẽ cùng các bạn tìm hiểu chi tiết về thuốc Corticoid, bản chất của nó là gì? Tác dụng ra sao? Tác hại của Corticoid khi bị dùng sai chỉ định là gì?
1. Corticoid là thuốc gì?
Thuốc Corticoid (tên đầy đủ là Glucocorticoid), có tác dụng tương tự với hormon cortisol được tuyến thượng thận sản xuất trong cơ thể. Công dụng của thuốc Corticoid là giảm sưng, chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch. Thuốc Corticoid cũng được sử dụng trong điều trị các bệnh về da như viêm da, vảy nến, chàm; các bệnh về khớp, hen suyễn, phổi,…
Corticoid được bào chế ra nhiều loại khác nhau để phù hợp với từng phương pháp điều trị bệnh:
- Đường uống: Corticoid sẽ được bào chế dưới dạng viên nang, viên nén hoặc siro viên nang hoặc siro. Thông qua đường uống, thuốc sẽ giúp điều trị một số bệnh như viêm khớp, lupus,…
- Xịt mũi và ống hít: Corticoid khi được sử dụng theo đường này sẽ giúp điều trị các tình trạng viêm có liên quan đến hen suyễn hay dị ứng mũi.
- Thuốc nhỏ cho mắt: dùng để giảm sưng sau phẫu thuật mổ mắt.
- Dạng kem bôi: được sử dụng khi da có các vấn đề cần phải điều trị.
- Dạng tiêm: được dùng khi điều trị cơ, khớp.
Để tránh tác dụng phụ khi sử dụng, Corticoid cần được sử dụng dưới sự chỉ định của bác sĩ.
2. Làm sao để nhận biết thuốc có thành phần Corticoid
2.1. Cách nhận biết
Có hai cách cơ bản để bạn tự nhận biết được những loại thuốc nào có chứa thành phần Corticoid:
- Đọc thành phần thuốc trong tờ hướng dẫn sử dụng: Để nhận biết những loại thuốc nào có chứa thành phần là Corticoid thì bạn cần đọc kỹ toa thuốc với thông tin về thành phần và hướng dẫn sử dụng. Những loại thuốc có thành phần là Corticoid thông thường sẽ có các hoạt chất:
-
Prednisone
-
Betamethasone
-
Methylprednisolone
-
Fluocinolone
-
Triamcinolone
-
Prednisolone
-
Hydrocortisone,…
- Nhận biết hậu tố trong tên thuốc: Bạn hãy nhìn vào tên thuốc, thông thường thì nhóm thuốc Corticoid sẽ thường có đuôi là “sone” (“son”) hoặc “olone” (“olon”) ở trong tên.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ là thuốc thuộc nhóm Corticoid nhưng lại không có đuôi thông thường như đã trình bày ở trên. Ví dụ như: Budesonide.
Việc nhận biết được loại thuốc nào có chứa Corticoid trong thành phần sẽ giúp cho người bệnh chủ động được hơn trong việc sử dụng. Tuy nhiên, để an toàn và đảm bảo nhất thì khi sử dụng các thuốc thuộc nhóm Corticoid, bạn nên tham vấn bác sĩ để hạn chế các tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc.
2.2. Một số loại thuốc có thành phần Corticoid
Dưới đây là danh sách những loại thuốc đang có mặt phổ biến trên thị trường dược phẩm có chứa thành phần là Corticoid:
-
Thuốc Medrol có chứa Methylprednisolone
-
Thuốc Fucicort chứa Betamethasone.
-
Thuốc Symbicort điều trị bệnh hen chứa Budesonide.
-
Thuốc Flucinar chứa Fluocinolone.
-
Thuốc nhỏ mắt Polydexa chứa Dexamethason.
3. Tác dụng điều trị khi sử dụng thuốc Corticoid
Thuốc Corticoid là loại thuốc kháng viêm, có tác dụng hiệu quả trong việc ngăn ngừa tổn thương ở các tế bào. Nó thường được sử dụng cho các trường hợp:
- Cơ thể bị dị ứng hay có xung huyết: Corticoid sẽ được dùng khi người bệnh có các vấn đề tắc nghẽn mạn tính ở phổi như: viêm phổi, phổi kẽ, các cơn hen suyễn kéo dài. Thuốc cũng được dùng khi người bệnh bị mề đay, viêm mũi, sốc phản vệ, phù mạch,…
- Bệnh về da: Lupus ban đỏ, viêm da, vảy nến,…
- Bệnh lý về nội tiết: Người bệnh gặp các vấn đề như tăng sản ở tuyến thượng thận, suy thượng thận.
- Bệnh viêm gan tự miễn, viêm ruột.
- Dự phòng nôn: Thuốc dùng để dự phòng nôn cho các bệnh nhân đang dùng thuốc điều trị bệnh ung thư.
- Bệnh liên quan đến máu: Bệnh thiếu máu, xuất huyết giảm tiểu cầu, bệnh bạch cầu.
- Bệnh lý liên quan đến các vấn đề về khớp: Sử dụng Corticoid để điều trị các bệnh viêm khớp, thấp khớp, viêm đa khớp.
- Vấn đề về mắt như: Viêm kết mạc hay viêm màng bồ đào.
- Ngoài ra, Corticoid cũng được sử dụng trong nhiều loại bệnh lý khác như: tiêm trưởng thành phổi cho thai, điều trị hội chứng thận hư, bệnh addison.
4. Một số tác dụng phụ khi dùng Corticoid?
Sử dụng Corticoid sẽ có tác dụng trong việc điều trị các bệnh như đã trình bày ở trên. Tuy nhiên, Corticoid cũng có thể gây nên tác dụng phụ cho cơ thể nếu không được dùng đúng cách.
4.1. Sử dụng Corticoid trong thời gian ngắn
Một số tác dụng phụ mà người sử dụng thuốc Corticoid sau đợt điều trị ngắn ngày có thể kể đến như:
- Chuyển hóa đường bị rối loạn
- Da bị mụn trứng cá, mọc lông rậm, xuất huyết dưới da, bầm da
- Tâm thần thay đổi, dễ nóng nảy, kém chú ý, nếu bị nặng hơn sẽ có cơn hưng phấn hoặc trầm cảm
- Hạ kali máu
- Tăng huyết áp
- Yếu cơ gốc chi
- Kích ứng dạ dày, khó ngủ
4.2. Sử dụng Corticoid trong thời gian dài
Tác dụng phụ khi sử dụng Corticoid dễ xảy ra hơn khi bạn dùng thuốc trong một thời gian dài hoặc dùng các đợt ngắn nhưng tần suất lặp lại nhiều lần.
Một số tác dụng phụ khi sử dụng Corticoid dài ngày có thể kể đến như sau:
- Suy thượng thận
- Các bệnh về xương như hoại tử đầu xương vô trùng, bệnh loãng xương,...
- Loét dạ dày, gan nhiễm mỡ
- Mắt có thể bị tổn thương thần kinh thị giác, đục thủy tinh thể
- Rối loạn trong mỡ máu
- Ức chế tăng trưởng
- Tăng đông máu
- Hội chứng Cushing (đây là tên gọi chung của tình trạng cơ thể bị rối loạn nghiêm trọng gây nên các vấn đề như tăng cân bất thường, tích nước, da bị rạn, cơ bị yếu,...)
Việc sử dụng Corticoid theo hướng dẫn của chuyên gia y tế sẽ giúp bạn hạn chế tối đa những tác dụng phụ có thể gặp phải. Việc tăng hoặc giảm liều phải tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bạn nên không được tùy tiện dùng thuốc.
5. Cách sử dụng thuốc Corticoid an toàn và hiệu quả
Để việc sử dụng thuốc Corticoid an toàn và hiệu quả thì bạn cần phải thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra cần phải lưu ý một số vấn đề như sau:
- Dùng Corticoid với liều thấp và tần suất ngắt quãng..
- Ưu tiên sử dụng Corticoid tại chỗ so với việc dùng toàn thân (trừ khi chỉ định) để hạn chế tác dụng phụ.
- Nếu bạn đã từng dùng Corticoid để điều trị trong thời gian dài thì nên giảm liều từ từ mà không nên dừng đột ngột. Việc này sẽ giúp cho tuyến thượng thận thích nghi được với việc điều chỉnh sản xuất cortisol.
- Nên sử dụng Corticoid khi đã ăn để giảm kích ứng dạ dày.
- Với thuốc Corticoid chỉ nên thoa lớp mỏng lên vùng da điều trị mà không bôi lan, không sử dụng lên vùng có vết thương hở.
Thuốc Corticoid là một trong những loại thuốc được sử dụng nhiều hiện nay. Tìm hiểu về công dụng và những tác dụng phụ của Corticoid sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc điều trị của mình. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích khi tìm hiểu về loại thuốc này. Chúc bạn sử dụng thuốc an toàn và nếu muốn cập nhật thêm các thông tin về thuốc, bệnh học, hãy theo dõi các bài viết của Upharma nhé!