Tiểu đường thai kỳ và những điều mẹ cần biết

Trong thời kỳ mang thai, phụ nữ có thể gặp một số tình trạng bất thường hoặc mắc một số bệnh trong đó tiêu biểu có bệnh tiểu đường thai kỳ - xuất hiện ở khoảng 5-10% phụ nữ có thai. Và nếu lượng đường trong máu không được kiểm tra và giới hạn ở mức an toàn thì sức khỏe của cả mẹ và bé sẽ gặp nhiều vấn đề nguy hiểm. Bây giờ, các mẹ hãy cùng Upharma tìm hiểu về bệnh tiểu đường thai kỳ trong bài viết này nhé!

1. Tiểu đường thai kỳ là gì?

1.1. Định nghĩa

Tiểu đường thai kỳ hay còn có tên gọi khác là đái tháo đường thai kỳ. Nó được định nghĩa là tình trạng không dung nạp glucose ở nhiều mức độ khác nhau được phát hiện lần đầu tiên trong thai kỳ.

Những nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh mà mẹ bầu và gia đình cần chú ý:

  • Những mẹ bầu đang có tình trạng dư thừa cân nặng hoặc bị béo phì

Mẹ bầu bị thừa cân
  • Mẹ bầu có tuổi càng lớn thì có nguy cơ càng cao ( ≥ 35 tuổi) hoặc trước đây từng sinh con có cân nặng ≥ 4 kg.

  • Về tiền sử bệnh: có sự bất thường về dung nạp Glucose.

  • Về tiền sử gia đình: trong nhà có bố, mẹ hay ông, bà bị mắc đái tháo đường.

1.2. Chỉ số tiểu đường thai kỳ

Trong giai đoạn mang thai, mẹ bầu và gia đình cần quan tâm sát sao cũng như theo dõi thường xuyên đường huyết. Nhất là khi mẹ đang thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Chẩn đoán dựa trên lượng đường huyết, mẹ bầu thường sẽ có lượng đường huyết thấp hơn so với những người không mang thai.

Mẹ bầu sẽ được chỉ định làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống để xác định lượng đường trong máu:

Một lưu ý trước khi làm nghiệm pháp là mẹ nên nhịn đói tối thiểu 8 tiếng. Mẹ có thể để bụng đói qua đêm và thực hiện nghiệm pháp vào sáng hôm sau.

Sau đây là thông số đường huyết bình thường của sản phụ:

  • Đường huyết lúc đói : ≤ 92 mg/dl (hay 5.1 mmol/l)

  • Đường huyết sau ăn 1 giờ: ≤ 180 mg/dl (hay 10 mmol/l)

  • Đường huyết sau 2 giờ : ≤ 153 mg/dl (hay 8.5 mmol/l)

Bác sĩ sẽ chẩn đoán mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nếu có bất kỳ kết quả nào lớn hơn hoặc bằng giới hạn trên.

2. Đâu là nguyên nhân mẹ bầu mắc phải tiểu đường thai kỳ?

Đây là một bệnh phổ biến ở phụ nữ mang thai và các nghiên cứu cũng đã tìm ra được những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này. 

Glucose là một loại đường có trong cơ thể được hấp thu từ carbohydrate. Nó có thể hấp thu từ thức ăn, nước uống sau đó được cơ thể chuyển hóa và phân hủy để tạo thành. Một hormone mang tên insulin do tuyến tụy tạo ra, có nhiệm vụ đưa glucose từ trong máu di chuyển đến các tế bào trong cơ thể. Insulin sẽ thực hiện chức năng tạo ra năng lượng phục vụ cho các hoạt động sống hàng ngày.

Hormone Insulin 

Thêm vào đó, trong quá trình mang thai, nhau thai tiết ra một số hormone khiến glucose tích tụ trong máu, khó luân chuyển vào tế bào. Lúc này, tuyến tụy nếu sản xuất đủ insulin thì có thể xử lý tình trạng này. Tuy nhiên khi mà cơ thể không sinh ra đủ lượng insulin cần thiết (tuyến tụy quá tải trong việc sản xuất hormon) thì lượng đường huyết sẽ tăng lên cao, và vượt giới hạn quy định. Và đây chính là nguyên nhân khiến mẹ bị mắc tiểu đường thai kỳ.

Một nguyên nhân khác có thể kể đến, trong thai kỳ, thai nhi sẽ tạo ra một số chất, một số nội tiết tố nhằm mục đích giúp cho thai nhi phát triển. Nhưng không may, những chất này lại vô tình có những ảnh hưởng tiêu cực đến hormon insulin. Qua đó, nó làm nội tiết tố của mẹ mất đi sự cân bằng.

3. Vậy làm sao để nhận biết các dấu hiệu của đái tháo đường thai kỳ?

Theo thống kê, rất hiếm trường hợp đái tháo đường thai kỳ có những triệu chứng rõ ràng. Thông thường bệnh chỉ được phát hiện khi thai phụ đi khám thai định kỳ và được bác sĩ cho làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ.

Tuy nhiên, mẹ vẫn có thể nhận biết thông qua một vài biểu hiện nhỏ sau:

  • Các triệu chứng cổ điển của bệnh tiểu đường: Cảm thấy khát nước liên tục, hay thức giấc giữa đêm để uống nước, đi tiểu nhiều lần, đói nhiều, và thèm ăn nhiều hơn.

  • Hay cảm thấy mệt mỏi mệt mỏi, uể oải. Tay chân rã rời, không có sức sống.

  • Các vết thương khi bị trầy xước khó lành hơn bình thường. 

  • Vùng kín dễ viêm nhiễm dù đã vệ sinh sạch sẽ và cẩn thận.

Viêm nhiễm vùng kín

4. Ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ đến mẹ và bé

4.1. Ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ

Theo nghiên cứu và báo cáo, tiểu đường thai kỳ có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm cho mẹ bầu như:

  • Cao huyết áp và làm tăng nguy cơ tiền sản giật gấp nhiều lần so với thai phụ bình thường không bị mắc bệnh. Bên cạnh đó, mẹ bầu còn có thể xảy ra tai biến nguy hiểm trên mạch máu não hoặc suy gan, suy thận,..

  • Thai phụ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu băng huyết sau sinh,...thậm chí có thể dẫn đến tử vong cho mẹ bầu.

  • Tăng hoặc hạ đường huyết quá mức cũng là một biến chứng tiêu biểu và gây ra hôn mê.

  • Xơ vữa động mạch.

  • Xuất hiện tổn thương thành mạch võng mạc, gây ra các bệnh lý nguy hiểm về mắt.

  • Và một số biến chứng khác ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng của người mẹ và thai nhi. Ví dụ như khó sinh, sinh non, sảy thai hay thai chết lưu.

4.2. Ảnh hưởng đến sức khỏe của bé

Đái tháo đường trong giai đoạn mang thai có tác động tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi. Chủ yếu trong giai đoạn ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ. Ở 3 tháng đầu, cụ thể là tuần thứ 6 và tuần thứ 7, thai nhi có thể chậm hoặc ngừng phát triển. Thậm chí là bị sảy thai, hoặc nếu con được sinh ra thì lại mang nhiều dị tật bẩm sinh. Trong giai đoạn đặc biệt 3 tháng cuối, sự tăng tiết quá mức insulin có thể gây ra hiện tượng thai nhi tăng trưởng vượt mức cho phép.

  • Hiện tượng thai nhi phát triển quá mức và thai to: Đây là hậu quả của tăng di chuyển glucose huyết từ mẹ vào thai. Lượng glucose này đã kích thích tuyến tụy của thai nhi tăng bài tiết insulin, làm tăng nhu cầu năng lượng, kích thích thai phát triển.

  • Bệnh lý ở đường hô hấp (Suy hô hấp): Trẻ sơ sinh khi có người mẹ mắc tiểu đường thai kỳ có thể gặp tình trạng khó thở. Đây chính là ảnh hưởng cực kỳ nguy hiểm và cũng chính là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu chiếm tỷ lệ khá cao ở trẻ sơ sinh của các thai kỳ bị đái tháo đường.

  • Lượng đường máu thấp: Đôi khi ngay sau khi sinh, trẻ có thể gặp tình trạng hạ đường huyết và có thể gây co giật. Trường hợp này đã được gặp ở nhiều bé được sinh ra khi mẹ bị đái tháo đường thai kỳ. Để xử lý tình huống này, các bé cần được cho bú nhanh chóng. Và nếu cần thiết thì con cần được truyền dung dịch đường để đưa lượng đường huyết trở về mức bình thường.

  • Vàng da sơ sinh: Sự tăng phá vỡ hemoglobin làm tăng bilirubin huyết tương. Đây chính là nguyên nhân gây vàng da cho trẻ sơ sinh.

Vàng da sơ sinh
Vàng da sơ sinh
  • Các ảnh hưởng lâu dài về sau: Trẻ được sinh ra có nguy cơ cao béo phì, khi lớn trẻ sớm bị mắc bệnh đái tháo đường type 2, rối loạn tâm thần - vận động. 

5. Phòng tránh căn bệnh này như thế nào?

Bệnh tiểu đường thai kỳ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực, nguy hiểm đến sức khỏe mẹ và bé. Vì vậy, việc tìm hiểu về các cách phòng tránh bệnh là thực sự cần thiết.

5.1. Đầu tiên là từ chế độ ăn uống

Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh là điều tiên quyết. Mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm giàu năng lượng cần thiết cho cơ thể nhưng vẫn ít gây ảnh hưởng đến đường máu. Những loại thực phẩm này có thể là các loại hạt, trái cây, ngũ cốc hay protein từ cá, thịt gia cầm, đậu, đậu phụ. Đặc biệt cần tránh ăn các đồ đông lạnh lâu ngày, đồ đóng sẵn, chế biến sẵn, đồ uống có đường như nước ngọt, nước có gas,...

Chế độ ăn lành mạnh
Chế độ ăn lành mạnh

5.2. Kiểm tra cân nặng và duy trì cân nặng phù hợp trước khi mang thai

Thừa cân, béo phì là một trong số những yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường thai kỳ. Vì vậy khi có kế hoạch mang thai, mẹ cần kiểm soát cân nặng phù hợp và lối sống lành mạnh.

5.3. Có các hoạt động thể lực với cường độ và mức độ phù hợp

Theo nhiều nghiên cứu chứng minh, tập thể dục là phương pháp cực kì tốt cho sức khỏe không chỉ ở người bình thường mà đặc biệt là ở người mang thai. Khi các mẹ tập thể dục, việc này có thể giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ cả trước và trong khi mang thai. 

Vận động sẽ giúp cơ thể nhạy cảm hơn với insulin - một hormon quan trọng của cơ thể để điều chỉnh đường huyết. Ngoài ra các mẹ có thể thực hiện các hoạt động khác như đạp xe đi làm hoặc đi bộ, leo cầu thang, tập yoga… Những bài tập hay chế độ luyện tập khác nhau sẽ phù hợp trong mỗi giai đoạn mang thai khác nhau. Các mẹ nên lập kế hoạch và tập luyện đều đặn với mục tiêu tối thiểu 30 phút một ngày.

5.4. Khám thai định kỳ

Việc đi khám bác sĩ định kỳ trong quá trình màng thai là vô cùng quan trọng. Bởi nó sẽ giúp người mẹ được chăm sóc và phát hiện các bất thường sớm từ đó lên phương án xử lý hiệu quả nhất. Và trong khoảng thời gian từ tuần 24 đến 28 của thai kỳ, việc khám sàng lọc bệnh tiểu đường thai kỳ bằng các xét nghiệm đường máu nên được tiến hành. Nếu kết quả dương tính, các mẹ sẽ được tư vấn về chế độ sinh hoạt tập luyện, ăn uống cũng như cách theo dõi để ngăn ngừa các biến chứng nặng nề của bệnh không xảy ra.

Như vậy, nhà thuốc Upharma đã khái quát về một số điều cần chú ý của bệnh tiểu đường thai kỳ. Từ nguyên nhân, dấu hiệu đến các tác động nguy hiểm, đặc biệt là các biện pháp phòng ngừa đối với bệnh. Upharma hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều kiến thức hữu ích đến các mẹ. Chúc những phụ nữ đã mang thai hoặc chuẩn bị có thai luôn mạnh khỏe và trang bị đủ kiến thức vững vàng để có một hành trình mang thai tuyệt nhất!