Viêm họng cấp có nguy hiểm không?
Viêm họng cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính ở niêm mạc phía sau họng dẫn đến triệu chứng như sưng đỏ họng, đau, ngứa, ho, và rát họng. Bệnh thường chỉ kéo dài từ 1-2 tuần. Bệnh chỉ gây ra một số triệu chứng vừa và nhẹ. Tuy vậy, nếu không điều trị đầy đủ và kịp thời, đôi khi bệnh có thể gây biến chứng nặng hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Biến chứng có thể bao gồm viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não, viêm cơ tim,... Lâu dần bệnh nhân có thể nghe kém do thủng màng nhĩ, thấp tim, bệnh thận mạn… thậm chí tử vong, nhất là xảy ra ở đối tượng trẻ em.
1. Nguyên nhân nào gây ra viêm họng cấp?
1.1 Virus
Virus là nguyên nhân chủ yếu và phổ biến nhất gây ra viêm họng cấp (khoảng 90% trường hợp viêm họng cấp là do virus gây ra). Trong đó có thể kể đến:
-
Adenovirus
-
Enterovirus
-
Influenza virus
-
Epstein-Barr virus
1.2 Vi khuẩn
Sau khi bị nhiễm virus, mà không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bội nhiễm thêm cả vi khuẩn. Lúc này, ngoài điều trị triệu chứng, bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị bằng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn.
1 số loại vi khuẩn hay gặp trong viêm họng cấp như:
- Liên cầu khuẩn nhóm A
-
Mycoplasma Pneumonia
-
Gonorrhea
1.3 Một số nguyên nhân khác
Ngoài 2 nguyên nhân chính kể trên, còn một số các nguyên nhân khác ít gặp hơn như:
1.3.1. Dị ứng
Với một số người nhạy cảm, khi tiếp xúc với tác nhân dị ứng như lông thú cưng, phấn hoa, bụi bẩn,...hệ miễn dịch sẽ phản ứng lại. Nó sẽ tiết ra các chất hóa học, cùng kháng thể nhằm bảo vệ cơ thể.
Khi đó sẽ xuất hiện các triệu chứng như chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi hoặc khó chịu, ngứa ngáy ở cổ họng. Chất nhầy dư thừa ở mũi có thể sẽ di chuyển xuống dưới cổ họng, khiến cổ họng bị sưng viêm, khó chịu.
1.3.2 Không khí khô
Cổ họng bạn có thể bị khô rát và ngứa ngáy khi phải làm việc, sinh hoạt trong không khí khô. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ra hiện tượng viêm nhiễm ở cổ họng và dẫn đến bệnh viêm họng cấp.
1.3.3 Khói thuốc, hóa chất và các chất gây kích ứng khác
Việc phải tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại sẽ khiến bạn bị viêm họng mãn tính. Do đó, chúng ta hãy xây dựng cho mình môi trường sống và sinh hoạt lành mạnh để làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm họng cấp.
1.3.4 Bệnh trào ngược dạ dày thực quản ( GERD)
Là hiện tượng acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Khi đó bệnh nhân luôn cảm thấy nóng rát ở cổ họng và thực quản do dịch vị dạ dày có tính acid mạnh (pH từ 1 – 2). Ngoài ra, bệnh còn có các triệu chứng khó chịu khác kèm theo như ợ chua, khàn giọng…
2. Hai thể bệnh chính của viêm họng cấp
Viêm họng đỏ: chiếm đa số các trường hợp. Các loại virus hoặc vi khuẩn sống trong khoang miệng là nguyên nhân gây ra thể bệnh này. Dấu hiệu nhận biết là toàn bộ phần niêm mạc phía trong họng có màu đỏ tươi, sưng tấy và phù nề.
Viêm họng trắng: Nguyên nhân chủ yếu là liên cầu khuẩn nhóm A. Viêm họng trắng thường nguy hiểm hơn viêm họng đỏ do dễ để lại biến chứng nặng như thấp tim, viêm cầu thận,… Dấu hiệu nhận biết là xuất hiện các giả mạc màu trắng bên trong niêm mạc họng và amidan
3. Triệu chứng thường gặp của viêm họng cấp
3.1 Triệu chứng tại chỗ
-
Viêm họng đỏ: xuất hiện sung huyết và phù nề ở niêm mạc họng. Ngoài ra, Amidan cũng có thể bị sưng tấy và tiết ra chất nhầy trong suốt khiến bệnh nhân cảm thấy đau nhức và khó chịu.
-
Viêm họng trắng: Bắt đầu xuất hiện nhiều bựa trắng ở thành sau họng. Niêm mạc amidan có màu trắng và dần chuyển thành màu xám.. Ngoài ra amidan và niêm mạc họng trở nên đỏ thẫm, sung huyết nhưng không có phù nề.
3.2 Triệu chứng cơ năng
-
Viêm họng đỏ: Bệnh nhân luôn có cảm giác khô, nóng ở cổ họng, sau đó sẽ chuyển thành đau rát. Khi nói, ho và nuốt, sẽ cảm thấy đau tăng lên. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị ho khan, khàn tiếng, nghẹt mũi và chảy nước mũi.
-
Viêm họng trắng: Bệnh nhân cảm thấy đau nhức toàn bộ vùng hầu họng và có thể đau nhói lên tai.
3.3 Triệu chứng toàn thân
-
Viêm họng đỏ: sốt cao (39 – 40 độ C), ớn lạnh kèm theo triệu chứng ăn uống kém, mệt mỏi, khó chịu.
-
Viêm họng trắng: so với viêm họng đỏ thì sốt nhưng ở mức độ nhẹ hơn, (thường từ 38 – 39 độ C), cùng với triệu chứng khác như đau đầu, mệt mỏi.
4. Các biến chứng của viêm họng cấp
Bệnh viêm họng cấp nếu không được điều trị tốt có thể tiến triển thành viêm họng mãn tính. Ngoài ra bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng khác có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt là ở trẻ em.
Biến chứng của viêm họng cấp có thể là:
-
Áp xe thành sau họng
-
Viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi nặng và thấp tim
-
Viêm màng não, viêm cơ tim
5. Các phương pháp chẩn đoán viêm họng cấp
5.1 Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ quan sát triệu chứng thực thể kết hợp với khai thác tiền sử bệnh của bệnh nhân. Các triệu chứng thường gặp là:
-
Ho
-
Khàn tiếng
-
Viêm kết mạc
-
Viêm thanh quản
-
Nổi hạch
5.2 Cận lâm sàng
Các triệu chứng của viêm họng cấp khá đặc trưng và dễ nhận biết. Vì vậy thông thường, khám lâm sàng là đủ để có thể chẩn đoán được viêm họng cấp và nguồn gây bệnh.
Nếu sau khi khám lâm sàng mà chưa đủ cơ sở để xác định bệnh thì cần tiến hành thêm các xét nghiệm.
Một số phương pháp thường dùng:
-
Test phát hiện nhanh kháng nguyên (RADT): Test này để xác định viêm họng do liên cầu nhóm A.
-
Nuôi cấy dịch họng để phát hiện vi khuẩn: Đây là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán viêm họng cấp. Bác sĩ sẽ dùng một miếng gạc để lấy dịch trong cổ họng người bệnh. Sau đó dịch sẽ được nuôi cấy để xác định chính xác vi khuẩn gây bệnh. Dựa vào kháng sinh đồ, bệnh nhân sẽ được lựa chọn kháng sinh điều trị cho phù hợp.
-
Xét nghiệm máu: Được chỉ định khi có nghi ngờ viêm họng cấp do liên cầu khuẩn.
-
Chụp cắt lớp vi tính (CT): Thường được chỉ định để xác định biến chứng áp xe thành sau họng do viêm họng cấp.
6. Phương pháp điều trị viêm họng cấp
Tùy thuộc vào mức độ nặng của viêm, mà người bệnh sẽ được chỉ định điều trị phù hợp.
6.1 Điều trị bằng thuốc
Viêm họng do virus thì không đáp ứng với kháng sinh do đó không dùng kháng sinh trong trường hợp này. Tuy nhiên bệnh nhân cần được điều trị triệu chứng và nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Thuốc kháng sinh được chỉ định cho bệnh nhân có RADT dương tính hoặc cấy dịch cổ họng là Penicillin hoặc Amoxicillin
Tùy theo mức độ bệnh, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân dùng kháng sinh đường uống hoặc tiêm bắp. Điều trị bằng kháng sinh còn hỗ trợ giải quyết nhanh hơn các triệu chứng, ngoài ra còn chấm dứt khả năng lây nhiễm bệnh trong vòng 24 giờ.
Một số lưu ý khi sử dụng kháng sinh: Người bệnh cần dùng đủ liều. Mục đích là để tránh sự đề kháng kháng sinh.
6.2 Điều trị phẫu thuật
Với bệnh nhân xuất hiện biến chứng do bệnh gây ra mà không đáp ứng với điều trị thông thường, phẫu thuật thường được chỉ định. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh cùng với mức độ đáp ứng điều trị, bác sĩ sẽ đưa chỉ định phù hợp.
6.3 Các phương pháp hỗ trợ điều trị tại nhà
Các triệu chứng của cả 2 thể viêm họng cấp đều xảy ra rầm rộ khiến cho thể trạng của người bệnh suy giảm nhanh chóng. Vậy nên, ngay từ những ngày đầu khởi phát bệnh, bệnh nhân nên bổ sung nước và chất dinh dưỡng đầy đủ nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Một số biện pháp chăm sóc tại nhà:
-
Nghỉ ngơi đầy đủ
-
Uống đủ nước
-
Súc họng bằng nước muối sinh lý: Sử dụng nước muối sinh lý để loại trừ tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, virus cư trú tại họng.
-
Ngậm các loại thuốc giảm đau họng.
-
Tăng cường bổ sung các loại hoa quả giàu vitamin như cam, chanh: Giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
7. Phòng ngừa viêm họng cấp như thế nào?
Các biện pháp phòng ngừa chủ yếu tập trung vào ngăn chặn sự lây lan của các loại virus như:
-
Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đặc biệt ở nơi công cộng
-
Tránh tụ tập nơi đông người
-
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh/ người nghi ngờ mắc bệnh
-
Giữ ấm cơ thể trong thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa đông
-
Hạn chế uống nước đá, uống rượu, hút thuốc gây kích ứng họng
Qua bài viết này, Dược sĩ Upharma hy vọng có thể giúp các bạn nhận biết được nguyên nhân để phòng tránh viêm họng cấp. Ngoài ra, bài viết cũng có hướng dẫn một số cách xử lý, điều trị tại nhà khi bạn mắc bệnh ở thể nhẹ. Chúc bạn luôn mạnh khỏe và tiếp tục theo dõi các bài viết của hệ thống nhà thuốc UPharma nhé!