Bệnh sởi ở trẻ em có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách điều trị
Bệnh sởi là bệnh lý do virus gây ra và có tốc độ lây lan nhanh chóng, cực kỳ nguy hiểm, dễ tạo thành dịch. Trẻ là đối tượng tấn công chủ yếu của loại virus này. Vì thế, có nhiều nghiên cứu về nguyên nhân và cách điều trị bệnh sởi ở trẻ em, nhằm cung cấp nhiều thông tin đến bậc phụ huynh để xử lý nhanh chóng bệnh tình của trẻ. Hãy cùng Upharma tìm hiểu các thông tin cơ bản về bệnh sởi ở trẻ qua bài viết sau đây.
1. Thực trạng hiện tại về bệnh sởi
Bệnh sởi luôn là bệnh lý được cơ quan các cấp quan tâm vì đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ em và tốc độ lan truyền bệnh rất nhanh chóng. Đến nay, số lượng bệnh nhân mắc bệnh sởi thống kê được như sau:
-
Vào năm 2014, tại nước ta có tới 35.000 ca sốt phát ban nghi ngờ mắc bệnh sởi. Trong số đó có 6.000 ca là bệnh sởi và hết năm 2014 đã có 147 ca tử vong do bệnh sởi.
-
Tiếp theo vào năm 2020, có hơn 3000 ca bệnh sởi được ghi nhận ở nước ta.
-
Vào năm 2021 đến năm 2023, mỗi năm ghi nhận tới 300 - 500 ca mắc bệnh sởi.
-
Đến tháng 3 năm 2024, số liệu ghi nhận được là 130 ca mắc bệnh sởi. Nhưng đáng chú ý rằng với số lượng ca mắc bệnh sởi này đã tăng 1.4 lần so với cùng thời điểm trong năm 2023.
2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh sởi ở trẻ em
Bệnh sởi ở trẻ em là do virus sởi (measles virus) thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Các nguyên nhân chính làm cho trẻ mắc bệnh sởi là:
-
Lây nhiễm qua đường hô hấp: Virus sởi lây lan chủ yếu qua đường hô hấp khi một người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, phát tán các giọt nhỏ chứa virus vào không khí. Trẻ em có thể hít phải các giọt này và bị nhiễm bệnh.
Tiếp xúc trực tiếp: Trẻ sẽ bị lây nhiễm bệnh sởi nếu như trẻ tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh, nhất là dịch từ mũi hoặc miệng. Ngoài ra trẻ có thể mắc bệnh nếu trẻ vô tình chạm vào các bề mặt bị nhiễm virus và đưa tay chạm vào mũi, mắt hay miệng.
3. Dấu hiệu của bệnh sởi ở trẻ
Dấu hiệu của bệnh thường xuất hiện theo thứ tự, bắt đầu với các triệu chứng giống cảm cúm và sau đó phát triển thành các dấu hiệu đặc trưng. Triệu chứng đầu tiên là sốt cao, có thể lên đến 39-40°C, kéo dài từ 4 đến 7 ngày. Cùng với sốt, trẻ có thể ho khan, sổ mũi, và viêm kết mạc (mắt đỏ, chảy nước mắt), gây ra cảm giác mệt mỏi và khó chịu.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh sởi là trên cơ thể xuất hiện đốm Koplik. Đó là những đốm trắng nhỏ với viền đỏ, thường xuất hiện trước khi phát ban tại các vị trí bên trong má, gần răng hàm. Phát ban đỏ là dấu hiệu nổi bật nhất, bắt đầu từ mặt, đến sau tai và cuối cùng lan xuống ngực, lưng, tay và chân. Ban có màu đỏ hoặc hồng, thường xuất hiện sau 3-5 ngày từ khi sốt bắt đầu.
Trẻ mắc bệnh sởi có thể trở nên mệt mỏi, kém ăn, và cáu kỉnh do các triệu chứng bệnh. Bệnh sởi có thể gây biến chứng nguy hiểm, vì vậy nên việc phát hiện bệnh sớm và đưa trẻ đi khám là quan trọng.
4. Phương pháp chẩn đoán bệnh sởi
Để chẩn đoán bệnh sởi các bác sĩ cần dựa trên các dấu hiệu lâm sàng như sốt cao, phát ban đỏ, ho, sổ mũi, viêm kết mạc và đốm Koplik trong miệng. Bác sĩ thường sử dụng 2 loại xét nghiệm để chẩn đoán bệnh sởi: Xét nghiệm máu tìm kháng thể IgM hoặc xét nghiệm RT-PCR để tìm RNA của virus sởi.
5. Cách điều trị bệnh sởi ở trẻ em
Điều trị bệnh sởi ở trẻ em chủ yếu tập trung vào việc giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng, vì hiện tại không có thuốc đặc trị virus sởi. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:
-
Giảm sốt. Dùng thuốc hạ sốt như paracetamol hoặc ibuprofen theo chỉ dẫn của bác sĩ.
-
Đảm bảo đủ nước. Cho trẻ uống đủ nước để tránh mất nước do sốt cao và tiêu chảy.
-
Nghỉ ngơi. Cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ, tạo điều kiện tốt nhất để cơ thể phục hồi.
-
Bổ sung vitamin A. Vitamin A được khuyến nghị để giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng và tử vong ở trẻ em mắc sởi, đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng hoặc dưới 2 tuổi.
Để điều trị biến chứng cho trẻ mắc bệnh cần thực hiện.
-
Kháng sinh sẽ được sử dụng nếu trẻ bị nhiễm khuẩn thứ phát như viêm phổi hoặc viêm tai giữa.
-
Trường hợp biến chứng nghiêm trọng, trẻ cần được chăm sóc y tế đặc biệt tại bệnh viện bởi các nhân viên y tế.
-
Cách ly để ngăn ngừa lây lan, trẻ mắc sởi nên được cách ly khỏi những người chưa được tiêm phòng hoặc dễ bị nhiễm bệnh trong khoảng 4 ngày sau khi phát ban bắt đầu.
6. Cách phòng ngừa bệnh sởi cho trẻ
Phòng ngừa bệnh sởi hiệu quả cho trẻ là thực hiện tiêm vaccine và các biện pháp phòng chống lây nhiễm. Dưới đây là các cách phòng ngừa hiệu quả.
-
Tiêm vaccine sởi. Tiêm phòng là biện pháp quan trọng nhất để phòng ngừa bệnh sởi. Chủ động tiêm cho trẻ vaccine sởi hoặc loại vaccine phối hợp phòng ngừa bệnh sởi và các bệnh khác. Liều đầu tiên thường tiêm lúc 9 tháng tuổi và liều thứ hai vào khoảng 18 tháng tuổi.
-
Tránh tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Không cho trẻ tiếp xúc với đối tượng đang mắc sởi. Lưu ý nhất là các bạn học cùng nhà trẻ với bé.
-
Cách ly khi mắc bệnh. Nếu trẻ mắc sởi, cần cách ly trẻ khỏi những trẻ khác để ngăn ngừa lây lan.
-
Tăng cường dinh dưỡng và sức đề kháng. Cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, giúp cơ thể chống lại các bệnh truyền nhiễm.
Như vậy, bài viết này đã giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về các thông tin liên quan đến bệnh sởi ở trẻ em. Dược sĩ Upharma hy vọng với những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp gia đình phòng ngừa bệnh và chăm sóc người bệnh hiệu quả. Nếu có thắc mắc nào về việc phòng ngừa và chăm sóc bệnh nhân sởi hãy liên hệ ngay với dược sĩ của chúng tôi để được giải đáp nhé.