Chuẩn bị sức khỏe trước khi mang thai đúng cách

Mang thai và sinh con là thiên chức thiêng liêng và cao cả mà chỉ phụ nữ mới có. Việc này là một quá trình không dễ dàng, đòi hỏi các mẹ cần chuẩn bị rất nhiều thứ, đặc biệt là chuẩn bị sức khoẻ trước khi có kế hoạch sinh con. Lần đầu làm mẹ nên bạn còn bỡ ngỡ không biết cần chuẩn bị những gì? Bạn không biết cần điều kiện tiền đề nào để tỉ lệ thụ thai cao và có một thai kỳ khỏe mạnh nhất? Chuẩn bị sức khỏe trước khi mang thai đúng cách như thế nào? Hãy cùng Upharma tìm hiểu nhé!

1. Tại sao cần chuẩn bị sức khỏe trước khi mang thai

Từ xa xưa, các cụ đã có những câu nói để miêu tả sự vất vả và gian nan trong quá trình sinh con của người phụ nữ -“Cửa sinh là cửa tử”, “Gái chửa cửa mả”. Sự so sánh ví von này không hề quá, bởi dù sinh thường hay sinh mổ, thì cơ thể người mẹ cũng đều có những thay đổi rất lớn. Mẹ khỏe thì con mới khoẻ, một thai kỳ khỏe mạnh sẽ đảm bảo con sinh ra được bình thường. Nhất là khi các bệnh về dị tật thai nhi ngày càng nhiều hơn. Vì vậy,ba mẹ cũng cần chuẩn bị một tiền đề thật tốt để con sinh ra được thuận lợi và khỏe mạnh.

2. Chuẩn bị sức khỏe thể chất trước khi mang thai

2.1. Khám sức khỏe tiển sản

Khám sức khỏe tiền hôn nhân, tiền sản rất quan trọng bởi sức khỏe của cả bố và mẹ ảnh hưởng rất lớn đến con sau này.  Việc này mục đích chính là tìm ra các yếu tố có thể ảnh hưởng bất lợi đến thai nhi, đặc biệt là các yếu tố di truyền. Các xét nghiệm cơ bản nhất là xét nghiệm máu để xác định nhóm máu, xác định xem bố hoặc mẹ có đang mắc bệnh gì lây qua đường tình dục hay di truyền từ mẹ sang con hay không. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ khai thác các bệnh lý nền của bố mẹ, kiểm tra sức khoẻ sinh sản của bố và mẹ. Thông qua thực hiện nhiễm sắc thể đồ, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên tốt nhất cho bố mẹ, để con khỏe mạnh, hạn chế bị mắc các dị tật bẩm sinh nhất.

Khám sức khỏe tiền sản
Khám sức khỏe tiền sản

2.2. Tiêm vaccine trước khi mang thai

Trẻ con khi mới sinh ra chủ yếu là nhận được kháng thể thụ động từ người mẹ. Vì vậy việc tiêm vacxin để mẹ có đầy đủ kháng thể là rất quan trọng. Việc tiêm vacxin thì chủ yếu không tiêm được trong quá trình mang thai mà phải được thực hiện trước khi mẹ mang thai. Các vacxin cơ bản mẹ nên tiêm và khoảng thời gian tiêm được khuyến khích như sau:

  • 7 tháng trước khi mang thai: tiêm phòng vacxin viêm gan B

  • Ít nhất trước 3 tháng: nên tiêm bổ sung hoặc nhắc lại các mũi thuỷ đậu, sởi-quai bị-rubella

  • Vacxin cúm cần tiêm trước khi mẹ mang thai 1 tháng

  • Vacxin uốn ván

  • Mẹ nên tiêm phòng HPV trước khi mang thai, hiệu quả tốt nhất khi mẹ dưới 26 tuổi và hoàn thành 3 mũi tiêm trong vòng 6 tháng, trước khi quan hệ tình dục. Vacxin này không chỉ giúp mẹ hạn chế được nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung mà còn giúp phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục có thể để lại hệ quả cho thai nhi. 

Tiêm vaccine trước khi mang thai
Tiêm vaccine trước khi mang thai

2.3. Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất

Chủ yếu các chất dinh dưỡng sẽ phụ thuộc vào chế độ ăn uống trong quá trình mang thai, tuy nhiên việc bổ sung trước khi mang thai cũng rất cần thiết. Việc bổ sung acid folic, canxi, sắt trước khi mang thai ít nhất một tháng và duy trì cho đến khi thai được 3 tháng sẽ hạn chế được dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Ngoài ra thì lượng vitamin A mà mẹ bổ sung vào cơ thể là yếu tố cần kiểm soát rất chặt chẽ, bởi thừa vitamin A có nguy cơ gây ra các dị tật thai nhi.  

Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất
Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất

2.4. Chế độ dinh dưỡng khoa học

Quá trình mang thai đòi hỏi cơ thể bạn phải có thật nhiều dinh dưỡng để cung cấp cho con. Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá nhiều, bởi vì béo phì sẽ khiến bạn dễ mắc các bệnh như tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp hơn. Hãy cố gắng giữ cho BMI của bạn ở mức cân đối, nó vừa giúp tăng tỉ lệ thụ thai, và vừa giúp bạn có một thai kỳ mạnh khoẻ. 

Chế độ dinh dưỡng cân bằng các chất từ các loại thực phẩm như hoa quả, thịt cá trứng sữa, các loại hạt.. sẽ giúp thúc đẩy hoạt động của hệ sinh sản. 

2.5. Thói quen sống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên

Khi có kế hoạch sinh con, cả bố và mẹ hãy cùng nhau tạo dựng một thói quen sinh hoạt lành mạnh. Hạn chế các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá …Bởi thói quen sinh hoạt không lành mạnh hoặc các chất kích thích có thể làm suy giảm chất lượng trứng và tinh trùng, làm giảm khả năng thụ thai. 

Ngoài ra nếu trước đây bạn ít vận động, không tập thể dục thì hãy nên bắt đầu tạo cho mình một thói quen rèn thể lực phù hợp. Trước khi mang thai hay khi mang thai, bạn hoàn toàn có thể tập được các bài yoga cho bà bầu, đi bộ hoặc các bài thể dục nhẹ nhàng. 

Thói quen sống lành mạnh
Thói quen sống lành mạnh

3. Chuẩn bị sức khỏe tinh thần là điều quan trọng không kém

Chào đón thêm một thành viên mới là niềm vui niềm hạnh phúc của cả gia đình. Tuy nhiên, cũng là một bước ngoặt lớn trong cuộc sống của bố mẹ. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của bố và mẹ cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều khi có con. Từ các vấn đề về tài chính, các mối quan hệ bạn bè, công việc cũng sẽ bị thay đổi tác động. Vì vậy bố mẹ cần chuẩn bị một tâm lý thật vững trước khi quyết định có con. 

Chuẩn bị tinh thần trước khi mang thai
Chuẩn bị tinh thần trước khi mang thai

Thời nay nhiều bạn trẻ đang tuổi vui chơi, thậm chí còn đang đi học, đang được bố mẹ chăm sóc không kịp thích ứng khi bất ngờ được làm bố, làm mẹ. Có nhiều cô gái còn không khỏi bị ảnh hưởng tâm lý khi đột nhiên mang trong mình một sinh linh nhỏ bé.

Thế nên, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng là một bước đệm rất quan trọng và ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình mang thai, sức khoẻ của thai nhi.

Hy vọng sau những thông tin mà Upharma cung cấp, bạn có thể chuẩn bị sức khoẻ và mọi thứ thật tốt trước khi mang thai để có một thai kỳ khỏe mạnh nhất nhé!