Hiểu đúng về bệnh tay chân miệng: Dấu hiệu nhận biết

Tay chân miệng là một bệnh khá lành tính. Tuy nhiên, nếu không điều trị đầy đủ và đúng lúc, bệnh có thể gây ra biến chứng về đường hô hấp hay viêm não,… thậm chí nặng nhất có thể dẫn đến tử vong. Do đó mỗi phụ huynh phải nắm được các dấu hiệu nhận biết bệnh để phát hiện sớm tình trạng bệnh của trẻ nhỏ.

1. Bệnh tay chân miệng là gì?

Tay chân miệng là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus. Bệnh có triệu chứng đặc trưng là sốt cao, họng sưng đau, niêm mạc miệng và da bị tổn thương. Với biểu hiện chủ yếu là xuất hiện dạng phỏng nước tập trung ở lòng bàn chân, lòng bàn tay, bên trong miệng của trẻ.

Tay chân miệng là bệnh có thể gặp phải quanh năm, nhưng số ca mắc bệnh tăng mạnh nhất trong 2 đợt: tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 12.

Bệnh gặp phải ở trẻ em dưới 10 tuổi, càng nhỏ tuổi tỉ lệ mắc bệnh càng cao, cao nhất là ở trẻ từ 1-2 tuổi. Đường lây bệnh chủ yếu là qua đường tiêu hoá từ nước bọt, phân, phỏng nước của trẻ mắc bệnh. 

Đa phần các ca mắc bệnh đều chỉ diễn biến nhẹ. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh lại có diễn biến rất nhanh, tăng nặng và gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Bệnh tay chân miệng là gì?

2. Tay chân miệng có nguyên nhân từ đâu?

Nguyên nhân chính gây ra bệnh tay chân miệng là do virus đường ruột gây ra. Chủ yếu là do 2 nhóm tác nhân gồm Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackievirus A16 (nhóm A16). Trong 2 loại virus gây bệnh kể trên, Coxsackievirus A16 là loại hay gặp nhất với triệu chứng ở thể nhẹ, ít có khả năng gây biến chứng nặng và thường tự khỏi. Còn Enterovirus 71 ít gặp hơn nhưng lại gây bệnh ở thể nặng hơn, biến chứng thường nguy hiểm hơn, thậm chí có thể đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Tay chân miệng có nguyên nhân từ đâu?

3. Dấu hiệu tay chân miệng

Tay chân miệng là một bệnh rất dễ lây lan ở trẻ nhỏ, do đó chúng ta cần nắm rõ triệu chứng của bệnh để xử lý và điều trị kịp thời.

Biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh là xuất hiện các dạng phỏng nước ở da và niêm mạc, tập trung chủ yếu ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, niêm mạc miệng.

3.1. Dấu hiệu bệnh qua các giai đoạn

Ngoài ra, tùy vào từng giai đoạn của bệnh, tay chân miệng có dấu hiệu nhận biết khác nhau, cụ thể như sau:

- Giai đoạn ủ bệnh kéo dài khoảng từ 3 đến 6 ngày. Ở giai đoạn này, trẻ chưa có các triệu chứng cụ thể để nhận biết.

- Giai đoạn khởi phát: kéo dài từ 1 đến 2 ngày, với các triệu chứng bao gồm:

  • Cơ thể mệt mỏi

  • Sốt

  • Đau họng, đau ở răng và miệng

  • Chán ăn

  • Tiêu chảy

- Giai đoạn toàn phát: Giai đoạn này có thể kéo dài từ 3 đến 10 ngày, có thể kể đến các triệu chứng điển hình của bệnh bắt đầu xuất hiện trên trẻ như:

  • Trên da có phát ban dạng phỏng nước: Triệu chứng này biểu hiện rõ ràng nhất ở trẻ em và trẻ sơ sinh. Lúc đầu, nốt phát ban màu hồng có đường kính nhỏ chỉ vài milimet, nổi ở trên bề mặt da lòng bàn chân, lòng bàn tay, miệng, mông rồi trở thành bong bóng nước. Bong bóng nước này chứa đầy chất dịch và nếu bị va chạm hoặc bong bóng to lên, có thể bị vỡ ra khiến trẻ cảm thấy rất đau đớn. Sau đó, chúng có thể để lại vết thâm, tuy nhiên thường không hay diễn tiến thành bội nhiễm hay loét.

  • Loét miệng: các vết loét màu đỏ hay phỏng nước có đường kính có độ dài từ 2 - 3 mm xuất hiện ở niêm mạc miệng, lưỡi, lợi dẫn tới đau khiến trẻ bỏ ăn, bỏ bú và quấy khóc.

  • Ngoài ra, trẻ nhỏ còn có các dấu hiệu toàn thân như sốt sốt nhẹ, nôn và buồn nôn.

  • Nếu trẻ bị sốt cao và nôn nhiều, phụ huỳnh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế/ bệnh viện để được thăm khám và điều trị đúng cách.

- Giai đoạn lui bệnh: Nếu được điều trị kịp thời và tích cực, sức khỏe của trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn.

3.2. Phân biệt tay chân miệng với các bệnh tương tự khác

Ngoài triệu chứng kể trên, chúng ta có thể dựa vào bảng sau để phân biệt với những bệnh tương tự khác.

Dấu hiệu nhận biết

Tay chân miệng

Thuỷ đậu

Herpes

simplex

Zona

(giời leo)

Độ tuổi thường gặp

< 10 tuổi

5-11 tuổi, người lớn

Tất cả

Tất cả

Vị trí ban

Xuất hiện nốt ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, bụng, loét miệng

Mọc rải rác toàn thân, mọc lan từ  trên xuống dưới: đầu, mặt,  xuống thân và tay chân

Từng chùm mụn nước nhỏ mọc ở xung quanh miệng

Chỉ xuất hiện ở 1 bên cơ thể

Dạng ban

Xuất hiện ban đỏ + Mụn nước, sần, hồng ban, màu xám, hình bầu dục, khi khỏi bệnh vết ban không hình thành sẹo

Mụn nước cũ xuất hiện xen lẫn mụn mới, khi mới mọc lõm ở giữa, trong lẫn đục (mủ) do có bội nhiễm vi khuẩn

Mụn nước sẽ vỡ, và chảy dịch ra, đóng vảy và lành sẹo

Chùm mụn nước kích thước to khác nhau. Ngoài ra còn có  hạch ở cổ, nách, bẹn cùng bên

Cảm giác

Không ngứa, không đau

Ngứa, đau nhức khiến bệnh nhân cảm thấy rất khó chịu.

Ngứa và rát

Ngứa, đau nhức khiến bệnh nhân cảm thấy rất khó chịu.

 

3.3. Một vài biến chứng bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh thường tự khỏi và ít khi đe dọa tới tính mạng của bệnh nhân. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp bệnh nhân có thể phải chịu một số biến chứng vô cùng nguy hiểm.

  • Biến chứng thần kinh (thường hay giật mình, khi ngủ chới với hoặc co giật, thậm chí hôn mê).

  • Viêm màng não do virus: Đây là hậu quả tình trạng nhiễm trùng và viêm ở màng não và dịch não tủy (bao quanh não cùng tủy sống).

  • Biến chứng hô hấp (như suy hô hấp, tím tái).

  • Bại liệt: liệt mềm một hoặc nhiều chi,...

4. Chẩn đoán bệnh tay chân miệng

Ngoài các triệu chứng lâm sàng kể trên, để chẩn đoán chính xác, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định xét nghiệm mẫu bệnh phẩm. Mẫu bệnh phẩm ở đây có thể là: phân, dịch ngoáy họng, dịch nốt loét, dịch nốt phồng.

Bác sĩ sẽ sử dụng các mẫu bệnh phẩm này để thực hiện xét nghiệm RT-PCR để xác định loại virus gây bệnh.

5. Phương pháp điều trị bệnh

 

Hiện nay, bệnh tay chân miệng là bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, mục tiêu điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, tăng cường miễn dịch, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Đa số các trường hợp bị bệnh tay chân miệng thông thường đều tự hồi phục trong vòng từ 7 đến 10 ngày.

Sau đây là một số hướng dẫn điều trị khi bệnh ở thể nhẹ, tránh tình trạng bệnh tăng nặng:

  • Cần vệ sinh sạch sẽ cho trẻ: nhất là vùng răng lợi, da.

  • Cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ.

  • Tăng cường sức đề kháng bằng cách bổ sung vitamin C, kẽm để trẻ nhanh chóng phục hồi.

  • Điều trị triệu chứng:

  • Hạ sốt cho trẻ: Cho trẻ dùng thuốc hạ sốt paracetamol khi trẻ sốt cao từ 38,5 độ trở lên.

  • Bù nước: Cho trẻ nhỏ uống dung dịch bổ sung điện giải oresol hoặc nước ép hoa quả: nước cam,...

  • Cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, dễ nuốt như: súp, cháo...

  • Nếu có biểu hiện loét miệng họng: lau sạch miệng trước và sau ăn, rồi sử dụng dung dịch glycerin borat để sát khuẩn và giảm đau. Từ đó có thể giúp bé ăn uống dễ dàng hơn.

  • Nếu trẻ có các biểu hiện chuyển nặng sau đây, cần đưa ngay tới bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị chuyên sâu:

  • Sốt cao ≥ 390C, co giật, hôn mê

  • Khó thở, thở nhanh, thở dốc mệt lả

  • Nôn nhiều

  • Đi loạng choạng

  • Da tái, nổi vân tím, tay chân lạnh, vã mồ hôi 

    Phương pháp điều trị bệnh chân tay miệng?

     

Trên đây là một số dấu hiệu của tay chân miệng, cha mẹ cần hiểu đúng và đủ về bệnh này để phòng tránh và hỗ trợ điều trị bệnh cho trẻ. Nếu cha mẹ cần tìm mua thuốc hạ sốt, hoặc các loại thực phẩm chức năng giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ, hãy đến với Upharma. Upharma là hệ thống nhà thuốc chuyên bán các loại thuốc, thực phẩm chức năng,... chính hãng, uy tín, giá cả hợp lý. Nếu bạn đọc có thắc mắc, đừng ngại đặt câu hỏi để dược sĩ của Upharma hỗ trợ nhé!