Thành phần
Hoạt chất chính:
Natri valproat (333,00mg), acid valproic (145,00mg). Hàm lượng tương đương với Natri valproat (500,00mg) cho 1 viên nén bao phim phóng thích kéo dài.
Tá dược:
ethyl cellulose 20mPa.s, hypromellose 3000mPa.s, colloidal silica khan, colloidal silica ngậm nước, natri saccharin, hypromellose 6mPa.s, macrogol 6000, polyacrytate 30% chất phân tán (Eudragit* E30D), talc, titan dioxid.
Tác dụng phụ
Rất thường gặp (≥ 10%); Thường gặp (≥ 1 và < 10%); ít gặp (≥ 0,1 và < 1%); Hiếm gặp (≥ 0,01 và < 0,1%); Rất hiếm gặp (< 0,01%); Chưa rõ (không thể ước tính từ các dữ liệu hiện có).
- Dị tật bẩm sinh và rối loạn phát triển (xem phần Thời kỳ mang thai và cho con bú mẹ).
- Rối loạn máu và hệ bạch huyết:
+ Thường gặp: thiếu máu, giảm tiểu cầu (xem phần Thận trọng)
+ Ít gặp: chứng giảm toàn dòng tế bào máu, giảm bạch cầu.
+ Hiếm gặp: suy tủy xương, bao gồm cả bất sản hồng cầu đơn thuần, giảm bạch cầu hạt, thiếu máu hồng cầu to, bệnh lý hồng cầu to.
- Các xét nghiệm thăm dò:
+ Hiếm gặp: giảm các yếu tố đông máu (ít nhất là một), xét nghiệm đông máu bất thường (chẳng hạn như kéo dài thời gian prothrombin, kéo dài thời gian hoạt hóa từng phần thromboplastin, kéo dài thời gian thrombin, kéo dài INR) (xem phần Thận trọng và Thời kỳ mang thai và cho con bú mẹ), thiếu hụt biotin/ thiếu hụt enzym biotinidase.
- Rối loạn hệ thần kinh:
+ Rất thường gặp: chứng run lắc.
+ Thường gặp: rối loạn ngoại tháp, trạng thái sững sờ*, ngủ gà, chứng co giật*, suy giảm trí nhớ, đau đầu, giật nhẵn cầu, chóng mặt có thể xảy ra một vài phút sau khi tiêm tĩnh mạch, và tự hết trong vòng một vài phút.
+ Ít gặp: hôn mê*, bệnh não*, ngủ lịm* (xem bên dưới), chứng parkinson có khả hồi, mất điều hòa động tác, dị cảm.
+ Hiếm gặp: chứng mất trí đi kèm với teo não có khả hồi, rối loạn nhận thức.
* Trạng thái sững sờ và chứng ngủ lịm đôi khi dẫn đến hôn mê/bệnh não thoáng qua; các chứng này có thể tách biệt hoặc đi kèm với sự gia tăng tần suất của chứng co giật trong khi điều trị và các chứng này giảm đi khi ngưng điều trị hoặc giảm liều thuốc sử dụng. Các trường hợp này rất hay gặp trong điều trị phối hợp (nhất là với Phenobarbital hoặc với Topiramat) hoặc sau khi tăng liều Valproat đột ngột.
- Rối loạn ở tai và ốc tai:
+ Thường gặp: chứng điếc.
- Rối loạn ở hệ hô hấp, trung thất, lồng ngực: ,
+ Ít gặp: tràn dịch màng phổi.
- Rối loạn ở đường tiêu hóa:
+ Rất thường gặp: buồn nôn*
+ Thường gặp: nôn, rối loạn ở nướu răng (chủ yếu là tăng sản nướu răng), viêm miệng, đau vùng thượng vị, tiêu chảy thường xảy ra khi bắt đầu điều trị, các chứng này thường hết trong vòng một vài ngày dù không ngừng thuốc.
* Được thấy sau tiêm tĩnh mạch một vài phút, và cũng tự hết trong vòng vài phút sau đó.
+ Ít gặp: viêm tụy, đôi khi gây chết người (xem phần cảnh báo đặc biệt).
- Rối loạn ở thận và đường tiểu:
+ Ít gặp: suy thận.
+ Hiếm gặp: đái dầm, viêm thận mô kẽ, hội chứng Fanconi có khả hồi (một khiếm khuyết chức năng ống thận gần, dẫn đến tiểu ra đường, tiểu đạm, tiểu phosphat, và tiểu uric) nhưng chưa rõ cách tác động.
- Rối loạn ở da và mô dưới da:
+ Thường gặp: tăng nhạy cảm, rụng tóc thoáng qua có hoặc không có liên quan đến liều thuốc dùng.
+ Ít gặp: phù vi mạch, nổi ban, rối loạn tóc (như kết cấu tóc mọc bất thường, thay đổi màu tóc, tóc mọc bất thường).
+ Hiếm gặp: hoại tử nhiễm độc ở da, hội chứng Stevens - Johnson, hồng ban đa dạng, hội chứng nổi ban do thuốc có tăng bạch cầu ái toan và triệu chứng toàn thân.
- Rối loạn ở cơ xương và mô liên kết:
+ Ít gặp: giảm mật độ khoáng của xương, giảm xương, loãng xương và gãy xương ở những bệnh nhân điều trị dài hạn với Depakine. Cơ chế mà Depakrne ảnh hưởng đến sự chuyển hóa xương chưa được xác định.
+ Hiếm gặp: lupus ban đỏ hệ thống (xem phần Thận trọng), ly giải cơ vân (xem phần Thận trọng).
- Rối loạn nội tiết:
+ Ít gặp: hội chứng tiết hormon kháng lợi niệu không thích hợp, cường androgen (rậm lông, nam hóa, mụn trứng cá, hói đầu kiểu nam giới, và/hoặc tăng androgen).
+ Hiếm gặp: giảm năng tuyến giáp (xem phần Thời kỳ mang thai và cho con bú mẹ).
- Rối loạn dinh dưỡng và chuyển hóa:
+ Thường gặp: giảm natri máu, tăng cân*.
* Tăng cân nên được theo dõi cẩn thận vì là một yếu tố nguy cơ của hội chứng buồng trứng đa nang (xem phần Thận trọng)
+ Hiếm gặp: tăng amoniac máu* (xem phần Thận trọng), béo phì.
* Các trường hợp tăng amoniac máu tách biệt và mức độ vừa không đi kèm thay đổi xét nghiệm chức năng gan có thể xảy ra, thoáng qua và không phải ngừng điều trị. Tăng amoniac máu đi kèm với các triệu chứng thần kinh đã được báo cáo, trong các trường hợp này cần cân nhắc để tiến hành các xét nghiệm thăm dò khác.
- Rối loạn tăng sinh lành tính, ác tính, không định danh (bao gồm u nang, polyp):
+ Hiếm gặp: loạn sản tủy xương.
- Rối loạn mạch máu:
+ Thường gặp: xuất huyết (xem phần Thận trọng và phần Thời kỳ mang thai và Cho con bú mẹ).
+ Ít gặp: viêm mạch máu.
- Rối loạn ở gan-mật:
+ Thường gặp: tổn thương gan (xem phần cảnh báo đặc biệt).
- Rối loạn ở tuyến vú và hệ sinh dục:
+ Thường gặp: rối loạn kinh nguyệt.
+ Ít gặp: mất kinh nguyệt.
+ Hiếm gặp: vô sinh ở nam giới, buồng trứng đa nang.
- Rối loạn tâm thần:
+ Thường gặp: trạng thái lú lẫn, ảo giác, gây hấn*, kích động*, rối loạn chú ý*.
+ Hiếm gặp: hành vi bất thường*, tăng hoạt động do tâm thần vận động*, rối loạn học tập*
* Những tác dụng phụ này chủ yếu được ghi nhận ở trẻ em.
Báo cáo tác dụng phụ:nếu bạn có bất kỳ tác dụng phụ nào, ngay lập tức báo cho bác sĩ, dược sĩ, hoặc chuyên viên sức khỏe khác (ví dụ: điều dưỡng) bằng cách báó cáo tác dụng phụ, bạn sẽ giúp cải thiện kiến thức về độ an toàn của thuốc.
Báo cáo phản ứng có hại nghi ngờ: báo cáo phản ứng có hại sau khi thuốc được cấp phép lưu hành rất quan trọng để tiếp tục giám sát cân bằng lợi ích/nguy cơ của thuốc, cán bộ y tế cần báo tất cả phản ứng có hại về Trung tâm Quốc gia hoặc Trung tâm Khu vực về Thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc.
Chỉ định
Thuốc này được chỉ định dùng trong:
- Động kinh: điều trị các thể động kinh khác nhau ở người lớn và trẻ em trên 6 tuổi và cân nặng trên 20kg.
- Hưng cảm: điều trị và dự phòng hưng cảm trong các rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
Chống chỉ định
Thuốc này không được sử dụng trong các trường hợp sau:
- Dị ứng với hoạt chất chính của thuốc (Natri valproat), hoặc một trong các thành phần của thuốc.
- Dị ứng với các hoạt chất cùng loại với Valproate (Divalproat, Valpromide).
- Bệnh gan (viêm gan cấp tính hoặc mạn tính).
- Tiền sử cá nhân hay gia đình có bệnh gan nặng, nhất là khi có liên quan đến thuốc.
- Rối loạn chuyển hóa porphyrin gan (bệnh gan do di truyền).
- Rối loạn chu trình chuyển hóa urê.
- Bệnh nhân đã biết hoặc nghi ngờ có bệnh về ty thể.
Liều dùng
- Động kinh:
Được sử dụng với người lớn và trẻ em trên 6 tuổi và nặng trên 20kg.
Dạng bào chế này không phù hợp với trẻ em dưới 6 tuổi vì nguy cơ gây mắc nghẹn khi uống thuốc. Hiện nay đã có những dạng thuốc thích hợp hơn dành cho trẻ em.
Liều dùng hàng ngày do bác sĩ quyết định và chỉ định cho từng cá nhân. Dùng thuốc 1 - 2 lần/ngày, tốt nhất là trong bữa ăn. Nếu bệnh của bạn được kiểm soát tốt nhờ điều trị, bác sĩ có thể kê đơn cho dùng 1 lần/ngày.
Người lớn:
Liều dùng nên bắt đầu với 600mg/ngày rồi tăng dần 200mg mỗi 3 ngày cho tới khi kiểm soát được cơn bệnh. Điều này thông thường nằm trong khoảng liều từ 1000mg đến 2000mg, tức là từ 20 - 30mg/kg/ngày. Các trường hợp không kiểm soát được cơn bệnh với khoảng liều này, có thể tăng liều lượng dùng đến 2500mg/ngày.
Trẻ em có cân nặng trên 20 kg:
Liều khởi đầu nên là 400mg/ngày (bất kể cân nặng) rồi tăng dần cho đến khi kiểm soát được cơn bệnh; điều này thông thường nằm trong khoảng liều là 20 - 30mg/kg/ngày.
Các trường hợp không kiểm soát được cơn bệnh với khoảng liều này, có thể tăng liều lượng dùng tới 35mg/kg/ngày.
Trẻ em có cân nặng dưới 20 kg:
Dạng bào chế Depakine*Chrono không phù hợp cho nhóm đối tượng bệnh nhân này, do kích thước của viên thuốc cũng như nhu cầu cần phải chỉnh tăng liều, có những dạng thuốc khác (ví dụ, dung dịch uống) thích hợp hơn.
Người cao tuổi: liều cần được xác định dựa vào việc kiểm soát các cơn động kinh.
Liều hàng ngày được xác định tùy theo tuổi và cân nặng của bệnh nhân; tuy nhiên, phải tính đến sự nhạy cảm khác nhau rõ rệt của từng người đối với Valproat.
- Hưng cảm:
Liều khởi đầu khuyên dùng là 20mg/kg/ngày. Nên nhanh chóng tăng liều để đạt được hiệu quả lâm sàng mong muốn với mức liều thấp nhất. Liều duy trì được đề nghị trong điều trị rối loạn cảm xúc lưỡng cực là từ 1000mg đến 2000mg/ngày. Trong các trường hợp ngoại lệ, có thể tăng liều nhưng không vượt quá 3000mg/ngày. Liều dùng nên được điều chỉnh tùy theo đáp ứng lâm sàng của từng người bệnh. Điều trị dự phòng nên được thiết lập theo đáp ứng của từng người bệnh với mức liều dùng thấp nhất có hiệu quả.
Dùng thuốc đều đặn mỗi ngày; không được thay đổi hay ngưng dùng thuốc đột ngột mà không báo trước cho bác sĩ.
Bé gái, trẻ vị thành niên nữ, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và phụ nữ có thai:
Valproat cần được khởi đầu điều trị và giám sát chặt chẽ bởi bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị động kinh hoặc rối loạn lưỡng cực. Chỉ nên sử dụng thuốc này khi các biện pháp điều trị khác không có hiệu quả hoặc bệnh nhân không dung nạp được (xem phần cảnh báo đặc biệt, Thời kỳ mang thai & cho con bú mẹ), cân bằng lợi ích - nguy cơ của thuốc nên được đánh giá cẩn thận trong mỗi lần thăm khám định kỳ cho bệnh nhân. Tốt nhất nên kê đơn Valproat dưới dạng đơn trị liệu và dùng mức liều thấp nhất có hiệu quả. Nếu có thể, nên sử dụng dạng phóng thích kéo dài để tránh tăng cao nồng độ đỉnh trong huyết tương. Liều hằng ngày nên được chia ít nhất thành 2 liều đơn.
Đóng gói
Hộp 1 lọ 30 viên
Hướng dẫn sử dụng
Dùng đường uống.
Nuốt trọn viên thuốc với nhiều nước. Không được nghiền nát hay nhai.
Viên thuốc có khắc vạch ở giữa, nên có thể bẻ đôi viên thuốc nếu cần.
Bảo quản
Nơi khô ráo, nhiệt độ dưới 30 độ C, tránh ánh sáng